Hungary và Bulgaria đã thảo luận về các biện pháp nhằm duy trì dòng chảy khí đốt tự nhiên từ Nga trong bối cảnh Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Gazprombank, ngân hàng chịu trách nhiệm xử lý thanh toán cho khí đốt Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố rằng một “giải pháp pháp lý-tài chính” đã được tìm ra để bảo đảm việc vận chuyển khí đốt không bị gián đoạn. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Vladimir Malinov cho biết một “lựa chọn” đang được cân nhắc, trong đó bao gồm cả Hungary, nhằm bảo đảm Sofia tiếp tục nhận được khoản phí trung chuyển khí đốt.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Gazprombank, được ban hành vào tháng 11-2024 trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, đã khiến các nước Đông Âu đối mặt với thách thức lớn trong việc thanh toán và duy trì dòng khí đốt từ Nga.
Bulgaria từng cảnh báo rằng nước này có thể ngừng trung chuyển khí đốt Nga đến Trung Âu nếu Gazprom không tìm ra giải pháp thanh toán phù hợp. Các lệnh trừng phạt cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Hungary, khi Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Budapest và Moskva đang tích cực nghiên cứu các phương án thanh toán thay thế.
Trong bối cảnh phần lớn châu Âu đã tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga kể từ năm 2022, Hungary lại đi ngược xu hướng khi gia tăng sự phụ thuộc. Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 11-12 đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về hợp tác năng lượng, đặc biệt là việc bảo đảm nguồn cung khí đốt bất chấp các biện pháp trừng phạt.
Hungary đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhưng khí đốt từ Nga vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này khiến nước này dễ bị tổn thương trước các biến động địa chính trị và các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Tình hình của Bulgaria cũng không khả quan hơn. Là một quốc gia trung chuyển khí đốt chính từ Nga đến Trung Âu, Bulgaria đang đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn dòng tiền từ phí trung chuyển nếu không có giải pháp tài chính khả thi.
Với tình hình căng thẳng hiện nay, các nước Đông Âu như Hungary và Bulgaria đang ở thế khó khi vừa phải đối phó với áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế, vừa phải bảo đảm nhu cầu năng lượng nội địa và duy trì ổn định kinh tế.
Các động thái của Hungary và Bulgaria cũng phản ánh sự phức tạp trong quan hệ giữa các nước Đông Âu với Nga, khi khu vực này vừa tìm cách bảo đảm nguồn cung khí đốt, vừa chịu sức ép từ các đồng minh phương Tây trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.