Đồng hạng với Singapore, New York trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới

(VOH) – Lệnh trừng phạt của phương Tây và giá năng lượng tăng đã đưa Moscow và Saint Petersburg nhảy vọt trên bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, ngoài New York và Singapore.

Do cuộc khủng hoảng toàn cầu về chi phí sinh hoạt, New York lần đầu tiên đã đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới cùng với Singapore, một thành phố thường xuyên ở vị trí đầu tiên, theo The Economist.

Báo cáo về chi phí sinh hoạt năm 2022 được công bố vào thứ Năm tuần này bởi tạp chí Anh còn cho biết rằng "giá cả đã tăng trung bình 8,1% trong một năm tại 172 thành phố lớn trên thế giới, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong ít nhất 20 năm". Những sự gia tăng này đặc biệt phản ánh tác động của “cuộc xung đột ở Ukraine và những hạn chế dai dẳng liên quan đến đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng” và ảnh hưởng cụ thể đến “năng lượng và thực phẩm”.

Đồng hạng với Singapore, New York trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới 1
New York trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn: 20 minutes

New York và Singapore, thành phố từng 8 lần đứng đầu bảng xếp hạng trong 10 năm, đã soán ngôi Tel Aviv, trung tâm văn hóa và kinh tế của Israel, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng này vào năm ngoái.

Sức mạnh của đồng USD trong những tháng gần đây, được coi là nơi đầu tư an toàn trong thời kỳ khủng hoảng, đã góp phần thúc đẩy các thành phố của Mỹ tăng thứ hạng, vì điều này được đánh giá sau khi đã chuyển đổi giá thành tiền tệ của Mỹ. Do đó, các mức giá ở bên ngoài Mỹ sẽ tự động được phản ánh ở mức thấp hơn. Không chỉ New York leo lên vị trí dẫn đầu, mà Los Angeles cũng lên vị trí thứ 4 và San Francisco lên vị trí thứ 8.

Bên cạnh đó, giá cả tăng vọt cũng khiến vị trí của Moscow và Saint Petersburg nhảy vọt trên bảng xếp hạng, thủ đô của Nga tăng 88 bậc lên vị trí thứ 37, dưới tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây và thị trường năng lượng năng động hỗ trợ đồng ruble, The Economist lưu ý.

Tuy nhiên, hầu hết các thành phố khác ở châu Âu lại đang sa sút do khủng hoảng năng lượng và các nền kinh tế suy yếu đã đè nặng lên đồng euro và các đồng nội tệ. Paris tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 9, trong khi Lyon tụt 34 bậc xuống vị trí thứ 90.

Vào năm 2021, giá xăng tăng nhanh nhất với mức tăng 22% tính theo nội tệ, theo sau là giá dầu thô, giá điện, thực phẩm và các tiện ích, đồ gia dụng cơ bản. Ngược lại, chi phí cho các nhu cầu giải trí vẫn ở mức vừa phải, "điều này phản ánh nhu cầu thấp đi khi người tiêu dùng tập trung chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu", theo The Economist, dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 16/8 đến ngày 16/9.