Động thái này được cho là có nguy cơ làm ‘trầm trọng thêm’ mối quan hệ vốn đã căng thẳng của nước này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà khai thác mạng di động bao gồm Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica đã đồng ý loại bỏ các thành phần linh kiện của Huawei và ZTE khỏi "mạng lõi" 5G của họ - được kết nối với Internet và hoạt động như các trung tâm điều khiển - vào cuối năm 2026.
Đến cuối năm 2029, các linh kiện này cũng được loại bỏ khỏi "mạng truy cập và vận chuyển", bao gồm các bộ phận vật lý của mạng 5G như đường truyền và tháp truyền tải.
“Theo cách này, chúng tôi đang bảo vệ hệ thần kinh trung ương của Đức như một địa điểm kinh doanh và chúng tôi đang bảo vệ thông tin liên lạc của công dân, công ty và nhà nước” - Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết vào ngày 11/7.
“Chúng ta phải giảm thiểu rủi ro an ninh và, không giống như trước đây, tránh sự phụ thuộc một chiều” - ông nói.
Chính phủ Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “cơ sở hạ tầng viễn thông an toàn và bền vững” do “nguy cơ phá hoại và gián điệp”.
Huawei nói với CNN rằng, "không có bằng chứng hoặc kịch bản cụ thể nào" cho thấy công nghệ của họ có rủi ro an ninh mạng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với khách hàng và đối tác theo cách xây dựng và cởi mở, thúc đẩy cải thiện và tiến bộ về an ninh mạng, đồng thời thúc đẩy xây dựng mạng di động và số hóa tại Đức", công ty cho biết thêm.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức hôm 11/7 đã cam kết thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.
Động thái của Đức "gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin lẫn nhau giữa hai bên và cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và châu Âu trong các lĩnh vực liên quan" - tuyên bố cho biết.
Quyết định này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ của Đức với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Tuần trước, Berlin đã chặn việc bán một công ty con của Volkswagen cho một công ty nhà nước Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối.
Đức đã trì hoãn trong nhiều năm về việc xử lý các thành phần của Huawei trong mạng 5G của nước này sau khi Hoa Kỳ, Anh , Úc và Nhật Bản cấm Huawei xây dựng mạng 5G của họ - do lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các công ty công nghệ Trung Quốc để do thám công dân của họ.
Theo báo cáo thường niên của Huawei, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi chiếm 21% doanh thu của công ty vào năm ngoái.