Mỹ sẽ triển khai vũ khí tầm xa ở Đức vào năm 2026

VOH - Mỹ sẽ bắt đầu triển khai năng lực hỏa lực tầm xa tại Đức vào năm 2026 nhằm thể hiện cam kết của mình đối với NATO và hệ thống phòng thủ châu Âu.

Mỹ và Đức cho biết trong một tuyên bố chung vào ngày 10/7 rằng, việc triển khai được thực hiện “theo đợt", bao gồm SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh đang phát triển có tầm bắn xa hơn so với các vũ khí hiện tại ở châu Âu.

Cả Tomahawk và Standard Missile-6 (SM-6) đều được sản xuất bởi Raytheon - một doanh nghiệp, nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, chuyên sản xuất vũ khí và thiết bị điện tử thương mại.

vu-khi-tam-xa-110724
Một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ Cơ sở tầm bắn tên lửa Thái Bình Dương - Ảnh: US Navy

Tên lửa mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km đã bị cấm cho đến năm 2019 theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung được Mikhail Gorbachev của Liên Xô và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ký kết vào năm 1987.

Đây là lần đầu tiên hai siêu cường đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và loại bỏ toàn bộ một loại vũ khí.

Tuân thủ theo các bên ký kết, Đức, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã phá hủy tên lửa của mình vào những năm 1990, sau đó là Slovakia và Bulgaria.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019 với lý do Moscow vi phạm thỏa thuận, viện dẫn việc Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729, được NATO gọi là SSC-8.

Điện Kremlin liên tục phủ nhận cáo buộc và sau đó áp đặt lệnh tạm dừng phát triển các tên lửa trước đây bị cấm theo hiệp ước INF - tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên bộ có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Vào cuối tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow nên tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn sau khi Hoa Kỳ đưa những tên lửa tương tự đến châu Âu và châu Á.

Bình luận