Đức: Hãng sản xuất vắc-xin COVID-19 CureVac liên kết với ông lớn Bayer

(VOH) – Một công ty Đức đang trong giai đoạn 3 của nghiên cứu vắc-xin chống COVID-19 đang liên kết với với tập đoàn dược phẩm khổng lồ Bayer để giúp phát triển và phân phối sản phẩm.

CureVac, có trụ sở tại thành phố Tuebingen của Đức, cho biết vào tháng trước rằng họ mong đợi kết quả đầu tiên vào cuối tháng 3 từ nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của ứng cử viên vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA được gọi là CVnCoV.

CureVac đã bắt đầu phát triển vắc-xin COVID-19 vào tháng 1/2020. Một thông cáo của công ty này và trụ sở của Bayer tại Leverkusen ngày 7/1 cho biết Bayer “sẽ hỗ trợ các bước phát triển xa hơn, cung ứng và hoạt động tại các khu vực chính” của loại vắc-xin này.

vac-xin-covid-19-curevac-voh.com.vn
Hãng sản xuất vắc-xin COVID-19 CureVac liên kết với ông lớn Bayer để phát triển sản phẩm của mình. Ảnh: Reuters

Bayer sẽ hỗ trợ CureVac với các quốc gia trong Liên minh Châu Âu và “các thị trường bổ sung được lựa chọn” và nắm giữ các lựa chọn để trở thành “chủ sở hữu ủy quyền tiếp thị” ở các thị trường khác bên ngoài Châu Âu, tuyên bố cho biết.

Tuyên bố nêu thêm rằng kế hoạch của hai công ty là kết hợp các sức mạnh của cả hai để đưa CureVac trở thành nguồn cung cấp hàng trăm triệu liều vắc-xin CVnCoV trên khắp thế giới, một khi phê chuẩn được xác nhận.

Năm ngoái, ngân hàng KfW thuộc sở hữu nhà nước của Đức đã nắm giữ 23% cổ phần của CureVac.

Một công ty khác của Đức, BioNTech, đã phát triển loại vắc-xin đầu tiên được chấp thuận sử dụng ở châu Âu và Mỹ, cùng với công ty Pfizer của Mỹ. Loại vắc-xin đó cũng dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA).

CureVac, công ty lâu đời nhất trong bộ ba công ty nghiên cứu công nghệ RNA thông tin để phát triển vắc-xin, là một trong số những công ty đầu tiên thông báo rằng họ đang nghiên cứu một sản phẩm để đối phó với SARS-CoV-2. Nhưng kể từ đó, nó đã bị tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh là Moderna và Pfizer.

Cho đến nay, CureVac cho biết họ sẽ có khả năng sản xuất lên đến 300 triệu liều vào năm 2021 và 600 triệu liều nữa vào năm 2022, ít hơn nhiều so với BioNTech/Pfizer với dự kiến sản xuất 1,3 tỷ liều vào năm tới.

Công ty đã ký một thỏa thuận với EU để cung cấp tới 405 triệu liều sản phẩm hai liệu trình của mình nhưng đã từ bỏ kế hoạch cung cấp vắc-xin của mình cho Mỹ, với lý do thị trường bão hòa, bất chấp các báo cáo rằng vắc-xin này đã được chính quyền Trump theo đuổi vào tháng 3 năm ngoái.

Vắc-xin của CureVac có một số lợi thế hơn so với các đối thủ mRNA của nó. Công ty cho biết sản phẩm của họ có thể duy trì ổn định trong ba tháng ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, giúp vận chuyển dễ dàng hơn đến các quốc gia không có cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh toàn diện.

Ngoài ra, CureVac đang thử nghiệm liều lượng 12 microgam, nhỏ hơn một nửa lượng của vắc-xin BioNTech/Pfizer, yêu cầu 30 microgam mỗi liều. Liều lượng nhỏ hơn có thể giúp dễ dàng chuyển lượng thuốc tiêm vào cơ thể hơn.