Iris 2 là dự án vệ tinh chiến lược thứ ba của EU, sau Galileo và Copernicus, được thiết kế để cạnh tranh với mạng lưới Starlink của tỷ phú Elon Musk. Chương trình này sẽ triển khai một "chòm sao siêu lớn" gồm khoảng 1.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo tầm trung và thấp của Trái Đất, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.
Dự án sẽ cung cấp dịch vụ kết nối an toàn cho chính phủ, khách hàng tư nhân và hỗ trợ các mục tiêu quốc phòng của EU. Đây là bước đi quan trọng của châu Âu nhằm đối phó với những thách thức dài hạn như xung đột Nga - Ukraine và nguy cơ an ninh mạng.
Những công ty công nghệ lớn của châu Âu như Airbus Defence and Space, Thales Alenia Space và Telespazio sẽ tham gia vào dự án Iris 2. Hiện tại, các mạng vệ tinh của EU đang hoạt động trải dài từ Ireland đến Đông Âu, cung cấp dịch vụ truyền hình, internet, dự báo thời tiết và giám sát quốc phòng.
Vương quốc Anh, từng là thành viên của chương trình không gian EU trước Brexit, hiện chưa có động thái tham gia Iris 2. Các quan chức EU cho biết Anh có thể tham gia với tư cách thành viên chính thức hoặc thông qua thỏa thuận thương mại.
Sau khi rời EU, Anh đã cắt đứt quan hệ với chương trình vệ tinh Galileo và tự phát triển hệ thống vệ tinh riêng, như dự án quân sự Tyche và Juno, dự kiến phóng vào năm 2027, để nâng cao năng lực giám sát và tình báo.
Chương trình Iris 2 thể hiện nỗ lực lớn của EU trong việc củng cố vị thế an ninh và tự chủ công nghệ hậu Brexit, đồng thời đặt mục tiêu trở thành đối thủ nặng ký trong lĩnh vực không gian toàn cầu.