Chờ...

EU muốn Trung Quốc thay đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Ukraine

VOH - Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU mới đây cho biết, Trung Quốc nên làm nhiều hơn nữa, để chứng minh Bắc Kinh không đứng về phía Moscow trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông Josep Borrell nói như vậy trước chuyến thăm siêu cường châu Á vào cuối tuần này.

Cao ủy đối ngoại EU Josep Borrell - Ảnh: Quốc hội EU
Cao ủy đối ngoại EU Josep Borrell - Ảnh: Quốc hội EU

Bắc Kinh đã chỉ trích đồng minh của mình là Moscow vì sử dụng vũ lực, nhưng đồng ý với tuyên bố của Nga rằng, NATO mở rộng ở châu Âu là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột. EU cùng với Mỹ mô tả hành động của Nga là sự xâm lược vô cớ. Moscow cho biết, xung đột là 1 phần của cuộc chiến ủy nhiệm do phương Tây phát động.

Ông Josep Borrell nói tiếp với SCMP: “Trung Quốc chắc chắn có thể làm được nhiều hơn, như tham gia vào công thức hòa bình của Ukraine. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, để thuyết phục Ukraine rằng, Trung Quốc không đứng về phía Nga.”

Công thức Zelenskiy mà ông Borrell đề cập, được Kiev và những người ủng hộ xem như cách duy nhất giải quyết xung đột. Nó yêu cầu Nga thừa nhận thất bại, trả tiền bồi thường và giao nộp tội phạm chiến tranh cho tòa án quốc tế.

Bắc Kinh đã đề xuất lộ trình giảm leo thang chiến sự của riêng mình vào năm ngoái, kêu gọi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đồng thời giải quyết mối lo ngại về an ninh của Nga.

Moscow bác bỏ kế hoạch của Kiev, cho rằng nó xa rời thực tế, trong khi đề xuất của Trung Quốc có thể là cơ sở cho một giải pháp lâu dài.

Ông Borrell nói thêm, mục tiêu trong chuyến thăm kéo dài ba ngày để khẳng định rằng, châu Âu coi trọng Trung Quốc, và không có chương trình nghị sự ngầm nào nhằm làm chệch hướng sự phát triển của họ. Brussels hy vọng Bắc Kinh sẽ xem xét vấn đề Ukraine một cách nghiêm túc. Những tăng cường hợp tác kinh tế của Trung Quốc với Nga, đang mang đến cho Moscow nhiều sức mạnh.

EU đã tách kinh tế của mình khỏi Nga vì cuộc xung đột Ukraine. Việc từ chối mua năng lượng giá rẻ của Nga, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên. Do vậy một số doanh nghiệp đã chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.

Nhiều quan chức EU lập luận rằng, khối này cần phải giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Càng phụ thuộc kinh tế Trung Quốc, an ninh quốc gia và rất nhiều thứ khác đều bị đe dọa.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von Der Leyen nói vào tháng 3: “Cách Trung Quốc tiếp tục tương tác với cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, là yếu tố quyết định mối quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai.”