Ngày 5/7, EU cho biết, họ sẽ xem xét đưa ra luật cấm buôn bán vi (vây) cá mập để giải quyết vấn đề đánh bắt cá đang đe dọa xóa sổ một phần ba số lượng của loài này.
Theo EU, bất chấp những nỗ lực bảo tồn "hơn 1/3 loài cá mập đang bị đe dọa tuyệt chủng". Việc săn bắt cá mập là một trong những mối đe dọa chính đối với việc bảo tồn các loài này hiện nay.
Động thái của EU được đưa ra sau khi hơn 1 triệu công dân châu Âu ký tên vào một bản kiến nghị kêu gọi khối này ngừng hoạt động xuất khẩu vi cá mập.
Finning - hành vi cắt vây cá mập trên thuyền và ném con cá còn sống xuống nước - là bất hợp pháp ở Liên minh châu Âu. Bởi trường hợp mất vây, cá mập không thể bơi bình thường, chúng đối diện với nguy cơ bị chìm xuống đáy biển và trở thành mồi của các loài sinh vật khác. Dù vậy vây vẫn có thể được thu hoạch hợp pháp theo quy định.
Các nhà hoạt động cho biết, Liên minh châu Âu hiện là một trong những nhà xuất khẩu vi cá lớn nhất và là trung tâm trung chuyển chính cho hoạt động buôn bán vi cá trên toàn cầu.
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối cho biết, họ "hiện đang xem xét thực hiện một biện pháp để chấm dứt buôn bán vi cá mập rời".
Các tàu của EU đã báo cáo rằng, họ đánh bắt khoảng 83.000 tấn cá mập mỗi năm từ năm 2019 đến 2021.
Khối này xuất khẩu trung bình 2.300 tấn vây cá mập đông lạnh mỗi năm, tạo ra doanh thu 170 triệu euro.
Những người mua vi cá chủ yếu là ở Trung Quốc và Singapore, nơi súp vi cá mập được cho là có đặc tính chữa bệnh và kích thích tình dục, mặc dù các nghiên cứu chưa xác nhận điều này.
Theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, vi cá mập có thể được bán với giá lên tới 1.000 USD/kg ở châu Á.
Đây là món hàng mang lại lợi nhuận lớn thứ ba trên thị trường "chợ đen", chỉ sau vàng, súng và vượt cả ngà voi. Giá trị của thị trường buôn bán vây cá mập toàn cầu vào năm 2007 ước tính đã đạt khoảng 450 triệu - 1,2 tỷ USD.