Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với trên 28,29 triệu ca mắc và hơn 497.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 34.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, trên 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 155.800 trường hợp thiệt mạng. Ngày 15/2, hơn 9.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo tại Ấn Độ.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 479người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 239.773. Số ca nhiễm nCoV tăng 32.197trong 24 giờ qua, lên 9.866.710.
Brazil hôm 6/2 nhận 88 lít hoạt chất đầu tiên để sản xuất vaccine Covid-19 của AstraZeneca, cho phép trung tâm y sinh Fiocruz có thể xuất xưởng 2,8 triệu liều vaccine. Trung tâm này dự kiến nhận thêm nhiều lô hoạt chất khác trong tháng 2 để sản xuất khoảng 15 triệu liều vaccine.
Hiện chỉ vaccine do AstraZeneca và Sinovac của Trung Quốc phát triển được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này đã tiêm chủng cho 5,13 triệu người.
Tại Anh, bắt buộc cách ly tập trung đối với những người đến từ các nước có nguy cơ cao là biện pháp mới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2 ở nước này.
Theo đó, những người đến từ các nước có nguy cơ cao bắt buộc cách ly tập trung. Hành khách đến từ 33 nước trong "danh sách đỏ" sẽ phải cách ly 10 ngày tại các khách sạn được Chính phủ Anh chỉ định. Chi phí cách ly mỗi người phải trả ước tính khoảng 1.750 Bảng Anh (hơn 50 triệu đồng) cho 10 ngày, bao gồm phí khách sạn, phí xét nghiệm và trả phí cho xe vận chuyển đưa đón. 16 khách sạn với gần 5.000 phòng ở Anh đã sẵn sàng cho chương trình cách ly mới này. 58.000 phòng khác đã được Chính phủ Anh xem xét dự phòng.
Báo cáo ngày 15/2 của các chuyên gia Đại học Edinburgh (Anh) cho biết. biến chủng nCoV mang tên B1525 được phát hiện thông qua giải trình tự gen tại 10 quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Australia và Đan Mạch.
Các chuỗi lây nhiễm biến chủng B1525 sớm nhất được ghi nhận từ tháng 12/2020 tại Nigeria và Anh. Ít nhất 32 người tại Anh nhiễm biến chủng B1525.
Nhóm nghiên cứu cho biết bộ gen của B1525 có nhiều điểm tương đồng với biến thể Kent, hay B117 có khả năng lây lan nhanh. B1525 chứa một số đột biến như E484K có thể tạo ra protein ngoài vỏ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ virus xâm nhập tế bào. Đột biến E484K xuất hiện trên các biến thể phát hiện ở Nam Phi và Brazil, được cho có thể giúp nCoV "lẩn trốn" tốt hơn các kháng thể trung hòa do cơ thể sản xuất.
Israel, nước dẫn đầu thế giới về tiêm vaccine, ghi nhận 727.485 ca nhiễm và 5.403 ca tử vong, tăng lần lượt 3.105 và 15. Hơn 41% người Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Pfizer. Israel cho biết họ sẽ mở cửa một phần các khách sạn và phòng gym từ ngày 23/2 cho những người đã tiêm hai mũi vaccine hoặc được coi là miễn dịch nhờ hồi phục sau khi nhiễm nCoV.
Còn tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã gia hạn khuyến cáo đặc biệt đối với việc du lịch nước ngoài thêm một tháng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan. Theo đó, người dân được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài đã lên kế hoạch. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 17/3 tới. Khuyến cáo hiện tại được ban hành hồi tháng 12/2020, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn trong ngày 15/2. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải gia hạn cảnh báo đi lại trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục hạn chế người nước ngoài nhập cảnh và đình chỉ các chuyến bay quốc tế do đại dịch COVID-19.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.223.930 ca nhiễm, tăng 6.462, trong đó 33.367 người chết, tăng 184. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.
Indonesia triển khai chương trình xét nghiệm nCoV qua hơi thở tại các ga tàu trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này ngày càng phức tạp. Người làm xét nghiệm sẽ được yêu cầu thổi vào túi và nhận kết quả ngay sau hai phút.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 550.860 ca nhiễm và 11.517 ca tử vong, tăng lần lượt 1.685 và hai ca. Tình hình COVID-19 tại Philippines càng gây lo ngại khi những lô vaccine COVID-19 đầu tiên dự kiến phải đến nửa cuối năm nay mới tới nước này.
Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte cuối tháng 1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tư pháp nước này xem xét nâng mức xử phạt đối với những trường hợp trốn cách ly. Yêu cầu trên được đưa ra nhằm ứng phó với tình trạng lao động nhập cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan đổ về nước, nhiều người trong số này cố tình tránh cách ly tập trung 14 ngày. Hiện mức xử phạt với những đối tượng không tuân thủ nghị định y tế về phòng tránh dịch là từ 50 USD đến 250 USD (khoảng 1,1 triệu đồng đến 5,7 triệu đồng và còn bị truy tố theo luật). Tính đến ngày 15/2, đã có khoảng 36.000 lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước. Trong số này, có hơn 11.000 người đã được cách ly và 89 ca mắc COVID-19.