Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Gần 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do ô nhiễm không khí

VOH - Nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 2 cho trẻ em dưới 5 tuổi chỉ sau suy dinh dưỡng.

Ô nhiễm không khí hiện là “kẻ giết người” thứ hai trên toàn cầu, con số này vượt qua việc sử dụng thuốc lá và chỉ đứng sau huyết áp cao.

Đối với nhóm trẻ em dưới 5 tuổi, ô nhiễm không khí là yếu tố gây tử vong hàng đầu - chỉ xếp sau suy dinh dưỡng.

o-nhiem-khong-khi-190624
Ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp, xe hơi, cháy rừng ở Lagos, Nigeria - Ảnh: Getty Images

Con số gần 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do ô nhiễm không khí, vượt qua cả yếu tố vệ sinh kém và thiếu nước sạch - trở thành yếu tố gây nguy hại đến sức khỏe lớn thứ hai đối với trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

Theo một nghiên cứu mới của Viện Hiệu ứng Sức khỏe (HEI), có hơn 8 triệu ca tử vong ở trẻ em và người lớn là do ô nhiễm không khí vào năm 2021. Ô nhiễm cả ngoài trời và trong nhà tiếp tục gây tổn hại ngày càng tăng đối với sức khỏe.

Báo cáo Tình trạng không khí toàn cầu năm nay - do HEI và Unicef thực hiện - cũng cho thấy, trẻ em ở các nước nghèo đang phải chịu tác động tồi tệ nhất với tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí ở trẻ em dưới 12 tuổi ở hầu hết các nước châu Phi cao gấp 5 lần so với các nước có thu nhập cao.

The Guardian trích lời Kitty van der Heijden - Phó giám đốc điều hành của Unicef cho rằng: “Việc không hành động của chúng ta đang ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tiếp theo, với những tác động đến sức khỏe và phúc lợi suốt đời”.

Bà nhấn mạnh: “Các chính phủ và doanh nghiệp bắt buộc phải xem xét những ước tính này và dữ liệu sẵn có tại địa phương và sử dụng nó để đưa ra hành động có ý nghĩa, tập trung vào trẻ em nhằm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em”.

Theo HEI, tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu cũng làm chất lượng không khí ngày càng trở nên tồi tệ. Khi hạn hán trở nên nghiêm trọng và kéo dài, đất đai khô cằn hơn, những khu rừng từng phát triển mạnh bị cháy và bão bụi ảnh hưởng đến vùng đồng bằng rộng lớn, khiến không khí tràn ngập các hạt bụi tồn tại trong thời gian dài.

Nhiệt độ cao hơn vào mùa hè cũng có thể làm trầm trọng thêm tác động của các chất gây ô nhiễm có trong không khí như Nitro oxide ở nhiệt độ cao có thể dễ dàng biến thành ozone - một loại khí gây kích ứng khi hít vào. Việc tiếp xúc lâu dài với ozone góp phần gây ra gần nửa triệu ca tử vong vào năm 2021.

Xử lý các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cũng có thể có tác động có lợi đến khí hậu.

Khoảng nửa triệu ca tử vong ở trẻ em vào năm 2021 có liên quan đến không khí ô nhiễm trong nhà, có khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu nấu ăn an toàn, chủ yếu là do nấu ăn bằng nhiên liệu hóa thạch bao gồm: than củi, parafin và than đá.

Do đó, việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn chẳng hạn như bếp năng lượng mặt trời có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide.

Cần bao nhiêu tiền để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí?

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, cần khoảng 4 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 để giải quyết vấn đề về ô nhiễm không khí chỉ riêng ở châu Phi cận Sahara.

Vào tháng trước, cơ quan này tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, huy động được 2,2 tỷ USD cho các dự án giúp người dân trên khắp lục địa chuyển sang các phương pháp thân thiện hơn với môi trường.

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA cho biết, vấn đề này cần được coi là ưu tiên toàn cầu của các chính phủ, có tác động đến sức khỏe, khí hậu và nền kinh tế quốc gia, cũng như bình đẳng giới, vì phụ nữ và trẻ em gái thường được giao nhiệm vụ đi tìm củi đốt.

“Đây là một vấn đề đã bị bỏ qua quá lâu” - ông Birol nói.

Bình luận