Chờ...

Giá dầu có thể lao dốc xuống 40 USD: Nguy cơ chạm đáy mới vào năm 2025

VOH - Giới chuyên gia cảnh báo về khả năng giá dầu giảm mạnh xuống chỉ còn 30-40 USD/thùng vào năm 2025, khi các yếu tố cung cầu trên thị trường dầu toàn cầu trở nên bất ổn.

Nếu Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) không kiểm soát chặt chẽ sản lượng và nới lỏng các biện pháp cắt giảm hiện tại, thị trường dầu có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giá cả sâu rộng.

Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng của công ty OPIS, cho biết thị trường dầu đang "chao đảo" trước viễn cảnh giá dầu có thể giảm sâu, gây tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông dự đoán nếu OPEC+ tăng sản lượng mà không có biện pháp kiềm chế hiệu quả, giá dầu có thể trượt xuống mức chỉ còn 30-40 USD/thùng, một kịch bản không mong muốn với các quốc gia xuất khẩu dầu.

gia dau

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq - Ảnh: THX

Hiện tại, dầu Brent Biển Bắc giao dịch ở mức 72 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở khoảng 68 USD/thùng. Nếu mức giá giảm xuống 40 USD, thị trường dầu thô sẽ chịu tổn thất lên đến 40% so với giá hiện tại, khiến ngành năng lượng toàn cầu lâm vào tình thế khó khăn chưa từng có kể từ thời kỳ đại dịch COVID-19.

Henning Gloystein, chuyên gia từ Eurasia Group, nhận định nhu cầu dầu có thể chỉ tăng nhẹ khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm tới. Nếu OPEC+ quyết định hạ mức cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh, thậm chí chạm mức 40 USD/thùng do tình trạng thừa cung. Theo ông, sự mất cân bằng này sẽ gây sức ép lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Không chỉ vấn đề sản lượng, yếu tố chính trị cũng là một nguy cơ đe dọa giá dầu. Các nhà phân tích cho rằng chính sách năng lượng của chính quyền sắp tới dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gia tăng sức ép lên giá dầu. Ông Trump từng kêu gọi tăng sản lượng dầu trong nước và cam kết giảm giá năng lượng. Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tiếp diễn cũng sẽ đẩy giá dầu xuống mức thấp, gây ra nhiều hệ lụy trên thị trường toàn cầu.

Một phân tích từ Citibank cho thấy nếu OPEC+ thực hiện kế hoạch khôi phục dần sản lượng, tình trạng dư thừa nguồn cung có thể tăng gần gấp đôi, đạt 1,6 triệu thùng/ngày, làm giá dầu tiếp tục ảm đạm. Ngay cả khi OPEC+ không tăng sản lượng, Citibank dự báo giá dầu Brent trung bình vẫn sẽ ở mức khoảng 60 USD/thùng vào năm tới, thấp hơn kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.