Ngày 21/10 - một ngày sau thảm họa giẫm đạp, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức địa phương cho biết, khoảng 3.000 người dân Afghanistan đã tập trung tại khu vực đất trống bên ngoài Lãnh sự quán Pakistan để chờ lấy mã số vào xin thị thực nhập cảnh (visa).
“Những người xin visa đã chen lấn, xô đẩy nhau để để giành lấy mã cấp visa từ các nhân viên của lãnh sự quán. Đám đông dần mất kiểm soát và giẫm đạp đã xảy ra”, một quan chức Afghanistan nói.
Truyền thông Afghanistan cũng đăng tải nhiều hình ảnh cho thấy rất nhiều người dân tập trung chen lấn và tay phải giơ cao hộ chiếu của mình. Sau khi giẫm đạp xảy ra, nhiều hộ chiếu đã được tìm thấy nằm vương vãi khắp nơi trên mặt đất.
Farmanullah - một người may mắn sống sót sau thảm kịch cho biết: “Tôi đứng xếp hàng cả đêm, tuy nhiên có nhiều thời điểm mọi người bất ngờ nổi nóng và bắt đầu xô đẩy nhau, nhiều người trong chúng tôi đã ngã xuống đất.”
Theo Sohrab Qaderi, thành viên hội đồng tỉnh, trong số 15 nạn nhân thiệt mạng được xác định ban đầu, có đến 11 người là phụ nữ. Ngoài ra cũng có nhiều người cũng bị thương trong vụ giẫm đạp, trong đó có một số người cao tuổi.
Mỗi năm, hàng chục ngàn người Afghanistan đến nước láng giềng Pakistan để với các mục đích điều trị y tế, học tập và làm việc. Hai nước có đường biên giới chung dài gần 2.600 km.
Tính đến nay, Pakistan đã tiếp nhận khoảng 3 triệu người tị nạn và người di cư kinh tế Afghanistan. Họ phải rời quê hương vì muốn thoát khỏi bạo lực, đàn áp tôn giáo và sự nghèo đói ở đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề như Afghanistan.
Đại sứ quán Pakistan ở Kabul đã đưa ra thông cáo bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước sự kiện trên, đồng thời các quan chức Pakistan cho rằng giới chức Afghanistan phải chịu trách nhiệm vì sự tập trung mất kiểm soát của người dân tại khu vực bãi đất trống nơi xảy ra thảm họa - vốn thường chỉ dùng để tổ chức các giải đấu bóng đá hoặc sự kiện đông người.