Afghanistan sử dụng lao động bị mất việc để phục vụ phát triển đất nước

(VOH) - Chính phủ Afghanistan vừa có động thái sử dụng lực lượng lao động bị mất việc do dịch Covid-19 để thực hiện các dự án phục hồi nguồn cung cấp nước cho thủ đô Kabul.

Các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm phòng chống lây lan dịch Covid-19 đã gây tác động mạnh đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia có dịch bùng phát, và Afghanistan cũng không ngoại lệ. Tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp kỷ lục và rất nhiều nhân công lao động bị mất việc làm.

Trước tình hình đó, chính phủ Afghanistan đã quyết định sử dụng hơn 40.000 lao động mất việc để thực hiện các dự án phục hồi nguồn cung cấp nước, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thủ đô Kabul.

Anh Zaker Hussain Zheri, 28 tuổi, từng là một đầu bếp ở thủ đô Kabul và đã bị mất việc làm từ tháng 3 năm nay vì dịch Covid-19 bùng phát. Hiện tại, anh đang nhận công việc do chính phủ triển khai, đó là đào các đường rãnh dẫn nước mưa và nước do tuyết tan trên dãy núi ở ngoại ô Kabul. Đây là việc làm thiết thực, đặc biệt trong tình hình thành phố này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng vì thiếu nước sạch và cả khủng hoảng y tế vì Covid-19.

Anh Zaheri cho biết: “Đây là công việc khó khăn, nhưng tôi vẫn làm vì không chỉ để trang trải cuộc sống, mà còn vì niềm tự hào khi được tham gia vào quá trình xây dựng lại thành phố của mình. Điều này sẽ giúp ích nhiều cho tương lai của đất nước chúng tôi.”

Afghanistan sử dụng lao động thất nghiệp phục vụ phát triển đất nước

Chính phủ Afghanistan sử dụng lao động bị mất việc vì dịch Covid-19 để đào các đường dẫn nước mưa và nước do tuyết tan, phục hồi nguồn nước cho thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Dự án phục hồi nguồn cung cấp nước cho thủ đô Kabul dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 1 năm với kinh phí khoảng 12 tỷ afghanis (đơn vị tiền tệ của Afghanistan - khoảng 155 triệu USD). Theo đó, mỗi công nhân thực hiện sẽ được chính phủ chi trả ít nhất 300 afghanis (3,9 USD)/ngày. Toàn bộ dự án gồm đào tổng cộng gần 150.000 đường rãnh dẫn nước, 17 con đập nhỏ và đập tràn tại các vùng núi ở khu vực ngoại ô Kabul.

Lượng nước ngầm hiện nay ở Kabul - nguồn cung cấp nước uống chính cho toàn thành phố - hiện đã quá tải, khiến thành phố 7 triệu dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Afghanistan gần đây đã tham gia vào các hoạt động tăng trưởng theo xu thế chung với các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước láng giềng Pakistan. Những hoạt động này bao gồm thực hiện các dự án “kích thích xanh” để vượt qua hai thử thách cấp bách hiện nay cùng một lúc, đó là vừa giữ cho nền kinh tế vận hành ổn định trong thời kỳ dịch bệnh, vừa giải quyết các tác động của quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.