Chờ...

Góp phần phát triển bền vững toàn cầu, nên ưu tiên lĩnh vực thủy hải sản?

VOH - Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về tương lai vừa tổ chức ở New York, câu hỏi làm sao nuôi sống lượng người ngày một tăng nhưng không phá hỏng hệ sinh thái, lại trở nên cấp bách.

Theo ước tính, năm 2023 thế giới có 730 triệu người suy dinh dưỡng. Con số tiếp tục tăng. Cơ sở sản xuất thực phẩm chịu áp lực ngày càng lớn phải giảm khí thải nhà kính. Nông nghiệp hiện chiếm tới 1/3 tổng lượng khí thải do con người gây ra.

c_fish
Thủy sản được khuyến nghị nên thay thế động vật trên cạn - Ảnh: SheLovesFish

Theo một số chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu lương thực một cách bền vững, nên chuyển hướng vào cá và nguồn thực phẩm dưới nước. Nuôi cá tác động tới môi trường ít hơn so với động vật trên bờ. Ví dụ nuôi bò tốn lượng lớn nước sạch, gây ô nhiễm đất và quá trình chăm sóc xả thải khí CO2. Không những vậy, cá còn có dinh dưỡng tương đương thậm chí nhiều hơn động vật trên cạn.

Nhân lực làm trong lĩnh vực thủy hải sản hiện ít hơn nhiều so với chăn nuôi trên cạn, nhưng tạo ra hơn 1 nửa lượng axit béo omega-3 rất tốt cho phụ nữ, được dùng bởi 987 triệu người. Các loại hàu và trai, chỉ cần nước ngọt và ít đất, cung cấp vitamin B-12 cao gấp 76 lần và sắt cao gấp 5 lần so với thịt gà.

Tuy nhiên để bảo vệ và duy trì trữ lượng thủy hải sản, đòi hỏi nhiều đầu tư và đổi mới, nhằm ngăn chặn tình trạng tận diệt. Ước tính thời gian gần đây, khoảng 1/3 loại cá con người đang đánh bắt, bị đánh bắt quá mức, cộng thêm biến đổi khí hậu làm giảm sản lượng, do nước biển nóng lên.

Mọi Chính phủ đều thừa nhận, thủy hải sản có tiềm năng to lớn để nuôi sống nhân loại một cách bền vững, nhưng vẫn còn khoảng cách trong nghiên cứu và phát triển. Theo Liên Hợp Quốc, châu Phi hiện cần ít nhất 12 tỷ USD để đầu tư vào công nghệ nuôi trồng - chế biến thủy hải sản, nhằm tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo tổ chức WorldFish, đầu tư vào thủy hải sản mang lại lợi ích rất thiết thực. Ví dụ đưa cá rô phi vào bữa ăn học đường ở Đông Timor, làm tăng lượng protein, omega-3, vitamin và khoáng chất cho trẻ em, giúp chống suy dinh dưỡng và tăng cường sự khỏe mạnh. Thêm bột cá vào bữa ăn học đường ở bang Assam của Ấn Độ, làm giảm tình trạng còi cọc và tăng chỉ số khối cơ thể trung bình.

WorldFish và đối tác đang thúc đẩy 1 loạt sáng kiến để tăng lượng thủy hải sản một cách bền vững, hướng tới những nhóm người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo như trẻ em và phụ nữ. Giới khoa học đang lai tạo, để có những giống cá rô phi và cá chép chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng ít bệnh tật hơn. Điều này cũng nghĩa là, người nuôi cá được lợi hơn và chi phí bán ra thị trường rẻ hơn.

Bằng cách mở rộng những sáng kiến trên, có thể tạo ra thêm nguồn thực phẩm an toàn, nhiều dinh dưỡng, giúp bổ sung cho mục tiêu phát triển con người tại các nước nghèo.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, ngành thủy hải sản hiện nay, có thể nâng cao năng suất thêm 6 lần, nếu đầu tư vào khoa học kỹ thuật và trang thiết bị, mà không cần thêm nhân lực. Với lượng cá nhiều hơn, ngư dân sẽ ít đi biển đánh bắt hơn, giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường.