Người phát ngôn của Trung tâm Y tế Sheba gần thủ đô Tel Aviv xác nhận rằng hai bác sĩ Israel đã bị nhiễm Covid-19, trong đó có một bác sĩ vừa trở về từ London (Anh) vào tuần trước.
Phía bệnh viện cho rằng vị bác sĩ này rất có thể đã lây cho các đồng nghiệp khác.
Thông tin từ bệnh viện cho biết hai vị bác sĩ nhiễm Covid-19 đều đã tiêm liều tăng cường. Hiện cả hai đều có các triệu chứng nhẹ của Covid-19.
Giới chức y tế Israel xác nhận có thêm hai người khác cũng đã nhiễm biến thể Omicron, trong đó có một người là du khách đến từ Malawi và người này đã tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Trong một tuyên bố vào ngày 30/11, Hiệp hội Các nhà sản xuất Israel (MAI) cho biết họ sẽ bắt đầu tiến hành xét nghiệm về biến thể virus mới Omicron đối với các công nhân đang làm việc tại các nhà máy.
"Các xét nghiệm này sẽ giúp duy trì tính liên tục trong sản xuất và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt hàng hóa", MAI nói.
Ngày 27/11 vừa qua, Israel đã đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài đến từ tất cả các nước trong vòng 14 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, đồng thời kích hoạt lại công nghệ theo dõi qua điện thoại để truy vết những người có tiếp xúc với số ít các trường hợp có thể đã bị nhiễm biến thể Omicron.
Israel hy vọng sẽ có thể hiểu hơn về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 trong việc chống lại biến thể Omicron trong vòng hai tuần.
Đến nay, khoảng 57% trong số 9,4 triệu dân của Israel đã được tiêm vắc-xin.
Ngoài Israel, Nhật Bản cũng đã tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.
Hiện nhiều nước đã áp đặt các biện pháp áp hạn chế hoặc cấm đi lại đối với những người đến từ Nam Phi và các nước khác thuộc khu vực phía nam châu Phi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/11 kêu gọi các nước bình tĩnh và thực hiện các biện pháp "hợp lý" để đối phó với biến thể Omicron.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên (WHO) áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro hợp lý, tương xứng".