Hạn hán đe dọa một nửa châu Âu

(VOH) - Gần 50% diện tích của Liên minh châu Âu (EU) đang phải hứng chịu nguy cơ hạn hán do đợt nắng nóng và thiếu mưa dai dẳng.

Theo Ủy ban châu Âu, khoảng một nửa khu vực EU hiện đang đối mặt với nguy cơ hạn hán do thiếu hụt lượng mưa kéo dài. Châu lục này đang trải qua một đợt nắng nóng bất thường, đặc biệt là ở Pháp. Khoảng 46% lãnh thổ của EU đang trong tình trạng hạn hán ở mức độ “cảnh báo”, tức là độ ẩm của đất bị thâm hụt đáng kể. Trong đó 11% đã ở tình trạng báo động, với thảm thực vật và cây trồng bị suy yếu nghiêm trọng do thiếu nước.

Hạn hán đe dọa một nửa lãnh thổ châu Âu
Ảnh minh họa. Nguồn: Ouest France

Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý có thể sẽ phải đối phó với sự sụt giảm năng suất cây trồng, đặc biệt là ngũ cốc, do thiếu hụt về nước và nhiệt. Các nước như Đức, Ba Lan, Hungary, Slovenia và Croatia cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt ở Ý, lưu vực sông Po phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng ở mức độ cao nhất trong EU, với một đợt hạn hán dữ dội được công bố ở 5 khu vực của quốc gia này.

Các chuyên gia của JRC (Ủy ban Nghiên cứu Chung) cho biết, tình hình ở Bán đảo Iberia cũng đang gặp phải khó khăn khi "các điều kiện đều thuận lợi cho việc cháy rừng xảy ra". Tại Tây Ban Nha, lượng nước dự trữ trong các hồ chứa hiện thấp hơn 31% so với mức trung bình trong thập kỷ vừa qua.

Các đợt nắng nóng vào tháng 6 và tháng 7 đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lượng mưa vào mùa đông và mùa xuân. Hơn nữa, dòng chảy của các con sông ở một số quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lượng nước dự trữ đang dần cạn kiệt.

Nhìn chung, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt về quản lý nước và năng lượng. Trong khi đó, sản lượng năng lượng của các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân nằm ở ven sông trong tháng 6 thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2015-2021 ở nhiều quốc gia, bao gồm Ý, Pháp và Bồ Đào Nha. Sản lượng thủy điện cũng sụt giảm tương tự, do sự sụt giảm mực nước của các hồ chứa ở Na Uy, Tây Ban Nha, Romania, Montenegro và Bulgaria cùng những nước khác.