Hàn Quốc: Giáo viên đối mặt nỗi sợ bị cáo buộc lạm dụng

VOH - Một vụ việc học sinh tát thầy hiệu phó gần đây làm dấy lên lo ngại về tình trạng giáo viên "sợ" học sinh tại Hàn Quốc.

Một đoạn video ghi lại cảnh học sinh tát thầy hiệu phó tại một trường tiểu học ở thành phố Jeonju, Hàn Quốc gây xôn xao dư luận vào tháng trước.

Trong video, một học sinh lớp 3 đã hành hung và lăng mạ thầy hiệu phó khi ông cố ngăn cậu bé bỏ học. Đáng chú ý, thầy giáo dường như không hề có ý định tự vệ, thậm chí còn chắp tay sau lưng khi bị tát.

060824-han-quoc-thumb
Giáo viên và học sinh Hàn Quốc ở lớp học bình thường - Ảnh: Internet

Theo ông Kim Dong-seok, phụ trách bộ phận quyền lợi giáo viên tại Liên đoàn Các hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, phản ứng này của thầy hiệu phó không phải hiếm gặp. "Các giáo viên Hàn Quốc thường rất sợ bị buộc tội lạm dụng, xâm hại trẻ em và bị kiện ra tòa," ông Kim giải thích.

Tình trạng giáo viên "sợ" học sinh đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều giáo viên phải chịu đựng im lặng trước hành vi thiếu tôn trọng của học sinh.

Theo dữ liệu chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023. Vào tháng 7 năm ngoái, một giáo viên 26 tuổi đã quyết định kết thúc cuộc đời sau khi bị phụ huynh quấy rối trong nhiều tháng.

Để giải quyết vấn đề, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số quy định mới vào tháng 9 năm ngoái. Các biện pháp bao gồm không đình chỉ giáo viên ngay khi bị cáo buộc lạm dụng, cho phép đuổi học sinh gây rối ra khỏi lớp, ghi âm cuộc gọi từ phụ huynh và lắp camera trong phòng họp.

060824-han-quoc-2
Cuộc biểu tình kéo dài 9 tuần của hàng chục ngàn giáo viên trên toàn Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 78% trong số 11.359 giáo viên được hỏi không cảm thấy tình hình đã được cải thiện đáng kể. Nhiều người vẫn phải đối mặt với áp lực tâm lý lớn và cân nhắc nghỉ việc.

Giáo sư Jung Jae-hoon thuộc Đại học Phụ nữ Seoul cho rằng đây là vấn đề khó giải quyết do bắt nguồn từ tư duy "gia đình là trên hết" trong xã hội Hàn Quốc. "Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác con mình bị đối xử bất công. Tư duy méo mó về đặc quyền của cha mẹ kết hợp với những đòi hỏi cao về việc giáo dục con cái họ dẫn đến sự vi phạm quyền giáo viên," ông Jung nhận định.

Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, mỗi đứa trẻ Hàn Quốc càng được xem là quý giá. Các chuyên gia cho rằng xu hướng phụ huynh bảo vệ con quá mức có thể sẽ tiếp tục, khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn trong tương lai.

Bình luận