Hàn Quốc kiện Nhật Bản ra tòa án quốc tế vì quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển

(VOH) - Ngày 14/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra chỉ thị cho các quan chức tìm hiểu về việc kiến nghị lên tòa án quốc tế về quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển của Nhật Bản.

Trước đó vào thứ Ba ngày 13/4, Nhật Bản cho biết nước này quyết định sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ ra đại dương. Đây là số nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima do ảnh hưởng từ thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra vào năm 2011 tại địa phương này.

Quyết định xả nước nhiễm xạ xuống biển đã qua xử lý được đưa ra sau nhiều năm chính quyền Nhật Bản cân nhắc và tìm hướng xử lý cho khối lượng nước khổng lồ này. Toàn bộ quá trình xả nước dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm sau khi Nhật Bản hoàn tất việc loại bỏ các đồng vị gây hại có trong nước nhiễm xạ.

Với công nghệ hiện nay, hầu hết các đồng vị phóng xạ đã được loại bỏ bằng một quá trình lọc mở rộng, nhưng một phần còn lại, chứa chất phóng xạ Tritium - đồng vị khó phân tách của hydro, không thể được loại bỏ bằng công nghệ hiện có.

Quyết định của Nhật Bản đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng - trong đó có Hàn Quốc, các tổ chức ngư nghiệp và các nhóm hoạt động vì môi trường.

Phía Hàn Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản Koichi Aiboshi và tiến hành một số cuộc họp khẩn để bàn về phương án phản ứng trước quyết định của Nhật Bản.

Hàn Quốc kiện Nhật Bản ra tòa án quốc tế vì quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ra chỉ thị tìm cách kiện Nhật Bản ra Tòa án Quốc tế vì quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc họp vào ngày 14/4, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc là Kang Min-seok cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã ra chỉ thị cho các quan chức tìm hiểu về các cách thức có thể để kiện Nhật Bản ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nhằm yêu cầu toà án ban hành lệnh cấm xả nước thải đối với đất nước Mặt trời mọc.

Trước đây, Tổng thống Moon cũng từng bày tỏ lo ngại về quyết định xả nước nhiễm xạ của Nhật Bản, một trong những lần đó là khi ông Koichi Aiboshi trình quốc thư ở Seoul khi trở thành Đại sứ tại Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay.

“Tôi không thể không nói rằng có rất nhiều lo ngại tại đây về quyết định của Nhật Bản, nhất là khi Hàn Quốc là quốc gia nằm gần Nhật Bản nhất về mặt địa lý và có cả vùng biển chung với Nhật Bản”, ông Moon Jae-in nói và đề nghị ông Aiboshi chuyển ý kiến này về Tokyo.

Hàn Quốc kiện Nhật Bản ra tòa án quốc tế vì quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển
Quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển của Nhật Bản đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt ở quốc gia láng giềng Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Hàn Quốc kiện Nhật Bản ra tòa án quốc tế vì quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển
Những bể chứa nước nhiễm xạ từ thảm họa sóng thần năm 2011 thuộc quản lý của Tepco ở Fukushima sẽ đầy vào năm 2022. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ban hành văn bản có nội dung đưa ra những lo ngại tương tự nhằm trao đổi vấn đề với chính quyền Washington, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng quyết định của Nhật Bản là “minh bạch” và phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn chung trên toàn cầu.

Không chỉ có Mỹ, tại một cuộc họp về các vấn đề trên biển với Trung Quốc vào ngày 14/4, phía Hàn Quốc cũng cho biết đã thể hiện quan điểm “rất lấy làm tiếc và rất quan ngại” về vấn đề xả nước nhiễm xạ của Nhật Bản.

Ngoài ra, một loạt các động thái phản đối mạnh mẽ cũng đã diễn ra ở Hàn Quốc trong cùng ngày, đến từ nhiều đối tượng gồm chính trị gia, quan chức địa phương, các hiệp hội ngư nghiệp và các nhà hoạt động môi trường. Địa điểm nơi diễn ra các hoạt động biểu tình phản đối gồm khu vực phía trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul và các cơ quan lãnh sự ở thành phố cảng Busan và đảo Jeju.

Một liên minh gồm 25 tổ chức của ngư dân đã tuần hành và gửi phản đối bằng văn bản đến Đại sứ quán Nhật nhằm hối thúc Tokyo rút lại quyết định, đồng thời kêu gọi Seoul cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.

Đảng Công lý, một đảng đối lập nhỏ ở Hàn Quốc, cùng khoảng 30 nhóm hoạt động về môi trường và phản đối hạt nhân đã gọi quyết định của Nhật Bản là “khủng bố hạt nhân”. Họ nói rằng đã gửi đến Đại sứ quán Nhật Bản danh sách gồm chữ ký của hơn 64.000 người phản đối, được thu thập từ 86 quốc gia kể từ tháng 2 năm nay.