Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lần sửa đổi đầu tiên đối với luật gián điệp kể từ khi Hàn Quốc ban hành Đạo luật năm 1953.
Dự thảo sửa đổi phản ánh bản chất thay đổi của các hoạt động gián điệp, không chỉ giới hạn trong các vấn đề quân sự mà còn bao gồm cả các lĩnh vực công nghiệp.
Động thái này diễn ra sau một loạt vụ việc thông tin an ninh tuyệt mật của Hàn Quốc bị cáo buộc rò rỉ cho Trung Quốc.
Một tiểu ban tư pháp của quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật vào ngày 13/11, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động gián điệp từ việc rò rỉ thông tin cho "quốc gia thù địch" thành "tất cả các quốc gia nước ngoài". Việc thông qua dự luật là kết quả của sự hợp tác lưỡng đảng hiếm có.
Luật hiện hành của Hàn Quốc quy định, những cá nhân làm việc cho quốc gia thù địch hoặc biết được hoạt động gián điệp nhưng không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền có thể phải đối mặt với các hình phạt bao gồm cả tử hình.
Theo quy định này, luật chỉ định Triều Tiên là kẻ thù duy nhất và những cá nhân làm việc cho Triều Tiên phải tuân theo luật gián điệp. Điều này loại trừ đối với những cá nhân hoặc nhóm làm việc cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, khỏi bị trừng phạt nếu làm gián điệp cho Hàn Quốc.
Đã có những nỗ lực sửa đổi luật tại Quốc hội khóa 21, nhưng đề xuất này đã không được Ủy ban Lập pháp và Tư pháp thông qua. Tuy nhiên, tại Quốc hội khóa 22, cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đã cùng nhau lần đầu tiên ủng hộ dự luật.
Quốc hội Hàn Quốc sẽ thông qua dự luật này trong phiên họp toàn thể vào ngày 28/11.
Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon đã nhiều lần kêu gọi mở rộng phạm vi ‘hoạt động gián điệp nước ngoài có thể bị trừng phạt’ sau khi các công tố viên truy tố một viên chức của Bộ Tư lệnh Tình báo Quốc phòng Hàn Quốc (KDIC) vào tháng 8 vì bị cáo buộc cung cấp bí mật quân sự cho tin tặc Trung Quốc - được cho là có liên quan đến Triều Tiên.
Các bí mật bị rò rỉ bao gồm dữ liệu mật về các điệp viên ngầm của Hàn Quốc, chẳng hạn như tên và nhiệm vụ ở nước ngoài của họ.