Hiệp ước này nâng mối quan hệ hai nước gần như liên minh. Động thái được dự đoán sẽ ảnh hưởng tới địa chính trị ở Đông Bắc Á.
Hội nghị trên đánh dấu lần đầu tiên ông Putin tới thăm Triều Tiên sau 24 năm. Chuyến đi nhằm đáp lễ khi ông Kim Jong Un tới thành phố Vladivostock tháng 9/2023.
Hiệp ước mới, được dự đoán sẽ đóng vai trò nền tảng pháp lý, cho mối quan hệ giữa hai chính phủ. Hiệp ước đề cập sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, an ninh và văn hóa. Sau cuộc họp, ông Kim nói rằng, quan hệ song phương được nâng lên mức cao hơn cả liên minh. Tổng thống Putin gọi hiệp ước này là văn kiện mang tính đột phá.
Hiệp ước được cho là mang lại lợi ích lớn với cả 2. Triều Tiên đang bị cô lập trong thế đối đầu với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Trong khi Nga thiếu đạn dược trầm trọng, do phải sử dụng trong cuộc chiến Ukraine. Hai nước đã tìm được nhau để bù đắp.
Đáng chú ý, hiệp ước bao gồm điều khoản, nếu 1 trong 2 bên bị tấn công, bên kia sẽ hỗ trợ quân sự ngay lập tức. Trước đây, Triều Tiên và Liên Xô cũng có điều khoản hợp tác trong trường hợp xung đột vũ trang với bên thứ 3. Do đó, tình huống này của Nga và Triều Tiên khiến nhiều bên cảnh giác cao độ, đặc biệt là Hàn Quốc. Xung đột trên bán đảo Triều Tiên hiện giờ, khả năng cao có thể kéo Nga vào.
Sau cuộc gặp, tổng thống Putin nói hợp tác giữa 2 bên không loại trừ khả năng cùng nhau phát triển năng lực quân sự. Điều này được suy đoán nhằm diễn giải cho khả năng Nga cung cấp đến Triều Tiên công nghệ phóng vệ tinh và tên lửa tầm xa. Tương lai, có thể cả công nghệ vũ khí hạt nhân.
Một số người lo ngại, với sự hỗ trợ từ Nga, Triều Tiên sẽ cứng rắn với láng giềng hơn.
Ngày 18/6, Trung Quốc và Hàn Quốc tổ chức đối thoại an ninh cấp cao tại Seoul, để thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Sun Weidong, thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong Kyun, cùng các quan chức quốc phòng cấp cao 2 bên đã tham dự.
Một số chuyên gia tin rằng, Nga đang muốn mua thêm đạn từ Triều Tiên, để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên động thái trên giúp Triều Tiên đạt được nhiều mục đích cùng lúc, như nhận về công nghệ, xăng dầu, lương thực từ Nga.
Với hiệp ước mới, Nga muốn kéo Triều Tiên vào sứ mệnh thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Chiến lược này còn có sự tham gia của 2 cường quốc khác là Iran và Trung Quốc.