Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 12/12 ra tuyên bố chung cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga sẽ phải chịu hậu quả lớn và trả giá đắt nếu tấn công quân sự Ukraine.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Phát triển của các nước thành viên G7 ở thành phố Liverpool, miền Bắc nước Anh vào ngày 12/12, đại diện các nước G7 nhất trí lên án việc Nga tăng cường hoạt động quân đội gần biên giới với Ukraine và những phát ngôn cực đoan chống lại Ukraine.
Tuyên bố chung nói rằng: "Luật pháp quốc tế nghiêm cấm dùng vũ lực để thay đổi biên giới. Có lẽ Nga sẽ không nghi ngờ rằng việc gây hấn quân sự hơn nữa đối với Ukraine sẽ gây ra những hậu quả to lớn và cái giá phải trả là rất đắt".
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được xác định tương lai của chính mình. Chúng tôi khen ngợi Ukraine vì sự kiềm chế của mình", tuyên bố chung nói.
Cuộc họp G7 thường bao gồm đại diện của các nước thành viên như Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Mỹ, cũng như đại diện từ Liên minh châu Âu (EU).
Đại sứ quán Nga tại London đã đưa ra một tuyên bố vào tối 11/12 nói rằng việc Anh thường xuyên sử dụng cụm từ "sự gây hấn của Nga" trong cuộc họp ở Liverpool là động thái gây hiểu lầm.
"Nga đã nhiều lần đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) giảm căng thẳng. Diễn đàn G7 có thể là một cơ hội để thảo luận về vấn đề này, nhưng đến nay chúng tôi chỉ nghe thấy những khẩu hiệu gây hấn", tuyên bố của đại sứ quán Nga cho biết.
"Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch của các hoạt động quân sự", tuyên bố chung của G7 nêu rõ, "Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác trong một phản ứng chung và toàn diện".
Ngày 12/12, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Anh đang xem xét tất cả các phương án đáp trả trong trường hợp Nga tấn công quân sự Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng trong quá khứ Anh đã từng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gửi thông điệp ngoại giao tới Nga.
"Khi Anh muốn gửi một thông điệp rõ ràng và thực hiện các mục tiêu rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế", Ngoại trưởng Liz Truss nói với các phóng viên tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước G7, "Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn".
Các cơ quan tình báo Mỹ nhận định rằng Nga có thể đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine, sớm nhất là vào đầu năm sau, với sự tham gia của 175.000 binh sĩ.
Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin nói rằng Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời cáo buộc sự mở rộng của NATO đã đe dọa Nga và đi ngược lại với các cam kết của NATO vào năm 1991 khi Liên Xô tan rã.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/12 cho biết ông đã nói rõ với Tổng thống Putin trong cuộc gặp trực tuyến song phương vào ngày 7/12 rằng những hậu quả về kinh tế mà Nga phải đối mặt sẽ rất tàn khốc nếu nước này có hành động quân sự với Ukraine.
Ông Biden cảnh báo rằng một khi Nga tấn công Ukraine, cái nhìn của các nước khác trên thế giới về Nga sẽ có sự thay đổi đáng kể và ông Putin sẽ phải trả giá đắt.