Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vào cuối tuần này tại Pháp có thể kết thúc mà không có được sự hợp tác chung giữa các bên do còn nhiều ‘khoảng cách’ giữa các vấn đề thương mại và khí hậu, theo thông tin từ một quan chức Nhật Bản.
Đây sẽ là lần đầu tiên một Hội nghị G7 kết thúc mà không có thông cáo kể từ cuộc họp đầu tiên năm 1975. Điều này cho thấy sự rạn nứt mà chính sách thương mại “Mỹ đầu tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra giữa các nền kinh tế tiên tiến G7 - Đài NHK cho biết.
Việc tìm kiếm các điểm chung giữa các quốc gia đồng minh đã trở nên ngày càng khó khăn tại Hội nghị hàng năm. Mỹ những năm gần đây luôn trở nên "đặc biệt" trong cách tiếp cận xử lý các tranh chấp thương mại và môi trường. Năm ngoái, ông Trump đã đẩy những nỗ lực của G7 nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất vào tình trạng rối loạn bằng cách rời đi sớm và đơn phương rút khỏi thoả thuận Paris nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mặc cho sự phản đối của châu Âu. Điều này đã phá hủy sự đồng thuận mong manh về thương mại giữa Washington và các đồng minh hàng đầu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn bày tỏ sự ưu tiên hơn đối với các hiệp định thương mại song phương so với các hiệp định đa phương và hiện cũng đang “mắc kẹt” trong mâu thuẫn kéo dài với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái tại Quebec, Canada (Ảnh: China Daily)
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ được tổ chức tại Biarritz, Pháp (Ảnh: Yahoo News)
Là chủ tịch của G7 năm nay, Pháp rất muốn bàn về vấn đề đánh thuế đối với các "ông lớn" ngành công nghệ số trong một cuộc tranh luận toàn cầu, tuy nhiên các nhà lãnh đạo khác "không có khả năng làm điều này tại hội nghị thượng đỉnh" - theo quan chức Nhật Bản.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 24 - 26/8 tại thành phố Biarritz phía Tây Nam nước Pháp. Hội nghị diễn ra vào thời điểm mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung và thị trường tài chính đầy biến động đang gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách. Nhóm G7 bao gồm các thành viên là các nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Ý, Canada và Liên minh châu Âu.