Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc với sự đồng thuận hỗ trợ vắc-xin COVID-19 cho tất cả mọi người

(VOH) – Lãnh đạo các quốc gia quyền lực nhất thế giới vừa đóng lại Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 22/11, nói không tiếc nỗ lực để đảm bảo khả năng tiếp cận với vắc xin COVID-19 cho tất cả mọi người.

Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày được tổ chức trực tuyến do diễn biến đại dịch COVID-19, đã làm chết ít nhất 1,38 triệu người trên toàn cầu, với số ca tử vong cao nhất thuộc về 7 nước của nhóm G20.

Hội nghị trực tuyến nhóm G20 năm 2020 diễn ra trong hai ngày 21-22/11. Ảnh: AP

Trong tuyên bố chính thức của Diễn đàn G20 nêu rằng virus SARS-CoV-2 đã làm lộ ra những lỗ hổng trong phòng ngừa và hành động ứng phó cũng như nhấn mạnh những thách thức chung. Tuyên bố này tập trung nhiều vào cuộc đấu tranh với virus corona, nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Nhóm G20 đã nhấn mạnh "sẽ không tiếc công sức để bảo vệ mạng sống."

Nhóm các nền kinh tế trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật cũng nhấn vào tầm quan trọng cho một sự tiếp cận toàn cầu với vắc-xin COVID-19, với thuốc điều trị và các xét nghiệm.

G20 bày tỏ sự hỗ trợ cho những nỗ lực như COVAX, một ý tưởng phân phối vắc-xin COVID-19 cho các quốc gia toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã từ chối tham gia ý tưởng này.

Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với báo giới hôm Chủ nhật tại thủ đô Berlin rằng Đức sẽ hỗ trợ tài chính cho sáng kiến COVAX, nhưng vẫn cần có thêm nhiều tiền hơn nữa.

Tuyên bố của nhóm G20 không trực tiếp đề cập lời kêu gọi khẩn cấp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong đó nói rằng đang cần thêm nguồn vốn đầu tư 28 tỷ USD cho sản xuất hàng loạt, mua và cung cấp vắc-xin COVID-19 mới trên khắp thế giới, bao gồm 4 tỷ USD ngay lập tức.

Cũng có lo ngại rằng các quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp và Đức đã trực tiếp đàm phán các thỏa thuận với các công ty dược phẩm, có nghĩa là phần lớn nguồn cung cấp vắc-xin của thế giới trong năm tới đã được đặt trước.

Thủ tướng Merkel cho biết điều quan trọng là COVAX phải bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin tiềm năng dựa trên số tiền mà họ đã có, nhưng bà có phần lo lắng rằng các cuộc đàm phán vẫn chưa diễn ra.

Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, nói rằng tuyên bố cuối cùng của G20 “đã thành công trong việc gửi đi một thông điệp về hy vọng và sự trấn an cho công dân của chúng tôi và tất cả mọi người trên thế giới”.

“Đây là những gì mà thế giới trông đợi từ chúng ta. Thành tựu hôm nay chính là điểm cực đại của các nỗ lực chung trong suốt một năm thử thách này,” Quốc vương Salman nói.

Saudi Arabia đã chủ trì G20 năm nay và là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ảo, ban đầu dự định được tổ chức trực tiếp tại Riyadh trước đại dịch.

Trump đã tham gia hội nghị thượng đỉnh với các bài phát biểu được ghi âm trước, nhưng không tham gia vào phần kết luận của hội nghị thượng đỉnh ảo.

Có vẻ như tất cả các nước G20 đã đồng ý với toàn bộ nội dung của tuyên bố cuối cùng, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, nước sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào Chủ nhật sau đó để giải thích thêm.

Các đại biểu của nhóm G20 đã thảo luận trực tuyến trong suốt năm qua về COVID-19, đồng ý hoãn thanh toán nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới cho đến giữa năm 2021, nhằm cho phép các quốc gia này tập trung vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. G20 cũng kêu gọi các nhà cho vay tư nhân tham gia vào nỗ lực này.

Hiện đã có 46 quốc gia yêu cầu được hưởng lợi từ sáng kiến đình chỉ thanh toán nợ, với tổng số lên tới 5,7 tỷ USD cho khoản tiền chuyển nợ. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi G20 kéo dài thời gian trả nợ đến cuối năm 2021 và mở rộng phạm vi sang các nước có thu nhập trung bình có nhu cầu.

Các nước G20 đang cho phép các nước thu nhập thấp có các khoản nợ không bền vững được đăng ký xóa nợ vĩnh viễn trong từng trường hợp cụ thể.

Trong phát biểu cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã đưa ra các mục tiêu của đất nước ông cho G20 vào năm tới khi nước này đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên từ Saudi Arabia.

Conte nói: “Mối đe dọa hiện hữu, đại diện là biến đổi khí hậu, xói mòn đất và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, đã đưa chúng ta đến ngã ba đường, là điểm mốc sẽ xác định xem chúng ta có thể cứu lấy hành tinh này và xây dựng một tương lai bền vững.

Conte cho biết đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm và nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc tiếp cận phổ cập vắc-xin.

Bình luận