Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: Lãnh đạo G20 cần kết hợp trong cuộc chiến chống COVID-19

(VOH) – Lãnh đạo Liên Hợp Quốc cảm thấy tiếc khi các nhà lãnh đạo thuộc G20 hồi tháng 3 không chung sức thiết lập hành động phối hợp ứng phó để ngăn chặn COVID-19 tại nhiều quốc gia như đã đề nghị.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo này đã đi hướng riêng khi tình hình lây nhiễm diễn tiến “ở mọi hướng, mọi nơi”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói. Kết quả là mỗi quốc gia đang có những hành động riêng đôi khi mâu thuẫn, và virus vẫn đang lan đi với làn sóng lây nhiễm thứ hai đang diễn ra tại nhiều quốc gia.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: Lãnh đạo G20 cần kết hợp trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: AP

Với việc hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tháng 11 tới, ông Guterres nói trong một phỏng vấn với AP rằng ông hy vọng cộng đồng quốc tế hiện tại hiểu họ cần phối hợp nhiều hơn cho cuộc chiến chống COVID-19.

Ông nhắc lại cuộc họp G20 hồi tháng 3/2020, nơi ông hối thúc thông qua một kế hoạch “thời chiến”, trong đó bao gồm một gói kích thích trị giá hàng ngàn tỷ đô la cho doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình tại các nước đang phát triển để vượt qua đại dịch và “một lực lượng đặc nhiệm để có một nỗ lực tổng hợp để đánh bại virus corona”.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 21-22/11 tới, ông cho biết Liên Hợp Quốc sẽ “ủng hộ mạnh mẽ” nhu cầu phối hợp tốt hơn và cũng tìm kiếm “sự đảm bảo” rằng bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào cũng đều được coi là “hàng hóa công cộng toàn cầu” và được sản xuất “sẵn có và giá cả phải chăng cho mọi người, ở mọi nơi”.

Guterres cho biết ý tưởng của Liên Hợp Quốc là phân phốivắc-xin COVID-19 (được gọi  là COVAX) đến toàn thế giới, và hiện có 156 nước tham gia chương trình, nhưng hiện chương trình này đang thiếu ngân sách.

Nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc cho biết tất cả các quốc gia cần được tập hợp lại với nhau để hiểu nhu cầu “tiếp nhận vắc-xin với một chiến lược chung” và “vận động cho sự đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa với các nước đang phát triển.”

Ông nói thêm rằng việc huy động rộng lớn các nguồn lực và sự gia tăng khả năng thanh khoản tại các quốc gia phát triển là điều tích cực để tránh điều tồi tệ cho các nền kinh tế ở bắc bán cầu, nhưng điều này không diễn ra tương tự tại khu vực nam bán cầu.

Tại các quốc gia đang phát triển ở phía nam, tính thanh khoản đang thiếu trầm trọng và vấn đề chi trả nợ đã trở nên nghiêm trọng hơn với “nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra theo từng đợt, và những điều này sẽ có tác động nghiêm trọng liên quan kinh tế toàn cầu”ông nói.

Guterres nói: “Đã đến lúc cần có sự đoàn kết hiệu quả với các quốc gia phía nam. Đã đến lúc đảm bảo rằng chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này bằng một chiến lược phục hồi bền vững, bao quát và đồng thời giải quyết những bất bình đẳng và bất công lớn nhất” mà thế giới đang phải đối mặt.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết việc giải quyết COVID-19 phải đứng đầu chương trình nghị sự toàn cầu và hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.

Ông nói: “Đây là thời điểm để nói COVID-19 là cuộc khủng hoảng của thời điểm hiện tại, nhưng biến đổi khí hậu lại là cuộc khủng hoảng của thế kỷ”.

Chúng ta cần giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu bằng một cách hiệu quả hơn nhiều so với cách chúng ta đã làm với COVID-19. Và vì điều đó, chúng ta cần kết hợp các nỗ lực để mọi người tôn trọng một mục tiêu chung, đạt được chỉ số carbon trung tính vào giữa thế kỷ này, tức vào năm 2050.”

Guterres nói rằng đó sẽ là mục tiêu chính của Liên Hợp Quốc cho năm 2021, là tạo ra “một liên minh toàn cầu gồm tất cả quốc gia, tất cả công ty, tất cả thành phố trên thế giới cam kết cho bước chuyển đổi mức carbon sang trung tính, và hướng đến đạt chỉ số bằng 0 vào năm 2050.”

Bình luận