Phiên họp Quốc hội để lựa chọn Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ bắt đầu vào buổi sáng (giờ địa phương).
Theo Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha, các nghị sĩ và thượng nghị sĩ sẽ có cơ hội tranh luận trước khi tiến hành bỏ phiếu bầu Thủ tướng.
Cuộc bỏ phiếu được tiến hành công khai và mỗi thành viên trong tổng số 750 nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội sẽ được xướng tên để lần lượt đứng lên thông báo về lựa chọn của mình.
Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên Thủ tướng đắc cử phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong tổng số 750 nghị sỹ của lưỡng viện Quốc hội.
Nếu không ứng viên nào giành được đủ 376 phiếu bầu cần thiết, Quốc hội sẽ tiếp tục lên lịch để tiến hành bỏ phiếu lại. Các chính đảng có thể tiếp tục giữ nguyên danh sách các ứng cử viên cũ hoặc đề cử các ứng viên mới.
Quá trình bầu chọn Thủ tướng không có giới hạn về thời gian và sẽ lặp lại cho tới khi một ứng cử viên giành đủ 376 phiếu bầu cần thiết.
Trong trường hợp các ứng cử viên do các chính đảng đề cử đều không đủ điều kiện được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng, Quốc hội có thể bắt đầu quy trình lựa chọn một “Thủ tướng từ bên ngoài”, nếu nhận được yêu cầu từ hơn một nửa số nghị sĩ của cả hai viện Quốc hội (tương đương 375 nghị sĩ).
Trước đó, việc Ủy ban Bầu cử Thái Lan chuyển hồ sơ vụ kiện liên quan ông Pita Limjaroenrat, ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng lên Tòa án Hiến pháp, trong đó đề nghị tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sỹ của ông Pita, khiến tình hình chính trường Thái Lan càng phức tạp và khó đoán định.
Đảng Dân chủ quyết định bỏ phiếu trắng
Ngày 12/7, bà Sunutcha Losathapornpipit, một thành viên của đảng Dân chủ, cho biết đảng này có lập trường rõ ràng rằng họ sẽ không ủng hộ ứng cử viên của một đảng chính trị tìm cách sửa đổi Mục 112 của Bộ luật Hình sự, hay còn được gọi là luật khi quân.
Bà Sunutcha khẳng định quyết định bỏ phiếu trắng thay vì bỏ phiếu chống là phù hợp với các nguyên tắc của đảng Dân chủ.