Hơn 122,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới

(VOH) - Đến sáng 20/3, thế giới có trên 122,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,7 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 30,4 triệu ca mắc và hơn 553.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 49.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nước này sẽ cán mốc 100 triệu liều vaccine ngay trong tuần này, nhanh hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói rõ, Mỹ sẽ đạt mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine vào ngày 9/3, chưa đầy 60 ngày kể từ khi ông nhậm chức. Còn mục tiêu đặt ra ban đầu là tiêm trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Hiện nay, 65% người trên 65 tuổi tại Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

hon-122-8-trieu-nguoi-nhiem-covid-19-tren-the-gioi-voh.com.vn-anh1
Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 30,4 triệu ca mắc và hơn 553.300 trường hợp tử vong.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 11,8 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 290.300 trường hợp tử vong. Ngày 19/3, Brazil báo cáo thêm gần 83.800 trường hợp nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận gần 41.000 ca mắc mới, cao nhất trong 3 tháng trở lại đây, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 11,5 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 159.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Từ ngày 1/4, người nước ngoài nhập cảnh vào Thái Lan sẽ được rút ngắn cách ly. Đây là một biện pháp khôi phục kinh tế và ngành du lịch nước này. Theo đó, những người nhập cảnh không có giấy chứng nhận tiêm chủng hay giấy chứng nhận không mắc COVID -19 sẽ thực hiện cách ly trong vòng 10 ngày thay vì 2 tuần như hiện nay. Còn những người có hai loại giấy trên sẽ cách ly trong 7 ngày. Thời gian cách ly 14 ngày sẽ được duy trì đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2.

Campuchia xác nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Bệnh nhân là nữ giới, 62 tuổi, sống ở thủ đô Phnom Penh, có các bệnh lý nền như viêm phổi, tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao và chứng béo phì. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 1.578 người, trong đó có 917 người đã bình phục và 2 ca tử vong do COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Nhật Bản vừa tuyên bố không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh vào nước này để theo dõi các sự kiện tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo. Nguyên nhân dẫn tới quyết định trên là do dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều nước, và sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến 5 bên trước khi lễ rước đuốc Olympic bắt đầu vào ngày 25/3 tới, để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Nghiên cứu giả thuyết mới về vaccine AstraZeneca và đông máu

Các nhà khoa học đang tìm hiểu một số khả năng có thể giải thích các trường hợp đông máu não hiếm gặp ở người sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

Các nhà khoa học châu Âu nêu giả thuyết mới rằng vaccine Covid-19 của AstraZeneca kích hoạt kháng thể bất thường trong một số ca hiếm gặp, trong khi những người khác cố tìm hiểu các ca này có liên quan tới thuốc tránh thai hay không.

Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng không có bằng chứng chắc chắn và cũng không rõ lý do vaccine AstraZeneca lại gây biến chứng trong khi những loại vaccine tương tự khác lại không.

Trong 18 ca xuất hiện đông máu ở não sau tiêm, đa số là phụ nữ và ở châu Âu, chỉ có hai ca ở Ấn Độ. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho hay đánh giá sơ bộ cho thấy vaccine không liên quan tới tăng nguy cơ đông máu tổng thể. Nhưng cũng không loại trừ liên quan giữa vaccine với các ca bệnh huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST), một biến chứng hiếm gặp tại các ca tai biến.

Bình luận