Chưa kiểm soát được dịch, nhiều nơi số ca nhiễm tăng cao
Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới đã phát hiện tổng số 30.477.622 ca nhiễm và 554.794 ca tử vong do Covid-19. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 51.403 ca nhiễm và 697 trường hợp tử vong do Covid-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã đạt mục tiêu tiêm 100 liều vắc xin Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền vào ngày 19/3, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Tổng thống Mỹ cho biết đây là tín hiệu lạc quan, nhưng không được phép lơ là các biện pháp chống dịch.
Chính quyền Biden cho biết, Mỹ có thể gửi vắc xin AstraZeneca sang các nước láng giềng Mexico và Canada. Thư ký báo chí của Biden nói 2,5 triệu liều sẽ được chuyển tới Mexico và 1,5 triệu liều cho Canada trong số 7 triệu liều dự trữ.
Hơn 122,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới
Brazil - vùng dịch lớn thứ hai thế giới ghi nhận 11.950.459 ca nhiễm và 292.752 ca tử vong vì Covid-19, tăng 73.450 và 2.227 trong 24 giờ qua.
Bộ Ngoại giao Brazil hôm 20/3 thông báo vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán, bắt đầu từ ngày 13/3, về khả năng nhập khẩu vắc xin Covid-19 dư thừa từ Mỹ.
Ấn Độ báo cáo thêm 43.815 ca nhiễm và 196 ca tử vong trong ngày hôm qua, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 toàn quốc lên lần lượt 11.598.710 và 159.790.
Do số ca nhiễm hàng ngày tăng cao nhất trong vòng 4 tháng, một số khu vực ở Ấn Độ đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế để ngăn Covid-19, gồm lệnh giới nghiêm và dừng hoạt động nhiều cửa hàng.
Các bác sĩ Ấn Độ cho rằng, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao do thái độ thoải mái của người dân đối với yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khác.
Anh - vùng dịch lớn thứ năm thế giới báo cáo 4.291.271 người nhiễm và 126.122 người chết, tăng lần lượt 5.587 và 96 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.
Anh đã tiêm chủng vắc xin cho gần 27 triệu người và số người tiêm trung bình mỗi ngày trong tuần này là 421.000 người, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế.
Pháp - vùng dịch lớn thứ sáu thế giới ghi nhận thêm 35.345 ca nhiễm và 185 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.252.022 và 92.167.
Gần một phần ba người dân Pháp từ ngày 21/3 sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trong bối cảnh chính phủ nước này đang đặt mục tiêu ngăn các ca nhiễm Covid-19 lây lan ở khu vực thủ đô Paris và các vùng phía bắc đất nước.
Bộ Y tế Pháp tuyên bố 6.137.375 người dân nước này đã được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên kể từ khi chính phủ khởi động chiến dịch tiêm chủng.
Đức - vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.658.840 ca nhiễm và 75.196 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 13.654 và 123 ca so với một ngày trước đó. Chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 tại Đức đang tăng vọt, đe dọa kế hoạch dỡ phong tỏa và vực dậy nền kinh tế.
Tại Nam Mỹ, ngày 20/3, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Chile ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong một ngày với 7.084 trường hợp. Đây là số người được xác định mắc Covid-19 cao nhất trong 24 giờ được ghi nhận từ hồi tháng 6/2020. Đến nay số ca mắc Covid-19 tại Chile đã lên tới 925.089 người, trong đó có 22.180 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua bất chấp việc chính phủ Chile đang triển khai một cách hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin đại trà cho người dân.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.455.788 ca nhiễm, tăng 5.656, trong đó 39.447 người chết, tăng 108.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vắc xin.
Với kết quả này, Indonesia tiếp tục dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á về cả tiến độ triển khai cũng như số lượng vaccine đã tiếp nhận.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 656.056 ca nhiễm và 12.930 ca tử vong, tăng lần lượt 7.999 và 30 ca.
Từ 20/3, Philippines đóng biên giới đối với người nước ngoài, lao động Philippines ở nước ngoài vẫn sẽ được về nước nhưng bị giới hạn ở mức 1.500 một ngày.
Người dân châu Âu “tụ tập” biểu tình phản đối phong tỏa
Tại một số khu vực ở châu Âu, nhiều người dân tỏ ra bất bình khi các lệnh phong tỏa ngăn đại dịch vẫn kéo dài. Tình trạng ẩu đả đã nổ ra khi khoảng 20.000 người hôm 20/3 xuống đường biểu tình chống các biện pháp hạn chế ở Kassel, miền trung nước Đức.
Theo AFP, hàng nghìn người dân đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Kassel, đứng sát nhau mà không đeo khẩu trang.
Một số người trong số họ không tin đại dịch là có thật, trong khi những người khác khẳng định các biện pháp hạn chế để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây lan là xâm phạm quyền công dân của họ.
Cảnh sát thành phố Kassel của Đức đã buộc phải dùng bình xịt hơi cay để giải tán những người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Những người tham gia biểu tình tại Kassel lên tới con số 6.000 người. Một số thành phố khác của Đức đã chứng kiến các cuộc biểu tình tương tự vào cuối tuần trước, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Hàng nghìn người ở Liestal, Thụy Sĩ và London, Anh, cùng ngày cũng tổ chức biểu tình chống phong tỏa. Các cuộc biểu tình có quy mô tới hàng chục nghìn người, bất chấp những yêu cầu cấm tụ tập đông người thời Covid-19.
Đám đông quá khích ở London đã đốt pháo sáng, liên tục hô hào và giơ cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền áp biện pháp hạn chế như "Ngừng hủy hoại cuộc sống trẻ nhỏ", "Đại dịch chỉ là giả" hay "Chấm dứt phong tỏa ngay".
Cảnh sát London hôm 20/3 thông báo đã bắt 33 người vào đầu giờ tối, đa số bị bắt vì vi phạm quy định chống Covid-19 khi ra khỏi nhà không phải vì nhu cầu thiết yếu.
Các biện pháp hạn chế Covid-19 của Anh áp dụng từ đầu tháng 1, khi tỷ lệ người nhiễm, tử vong và nhập viện vì Covid-19 tăng vọt. Tình hình cải thiện rõ rệt từ đó. Thủ tướng Boris Johnson tháng trước ban lệnh nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, quy định người dân ở trong nhà và không ra đường trừ phi mua nhu yếu phẩm sẽ chấm dứt vào cuối tháng này.
Nhiều cuộc biểu tình chống các lệnh phong tỏa với quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người, diễn ra thường xuyên trong thời kỳ đại dịch, buộc cảnh sát phải thực hiện một số ít vụ bắt giữ.