Hơn 3 triệu người buộc phải di cư và tị nạn do xung đột ở Sudan

VOH - Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Sudan, nơi mà xung đột xảy ra trong 3 tháng nay.

Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 12/7 cho biết cuộc xung đột kéo dài gần 3 tháng giữa lực lượng quân đội và lực lượng bán quân sự ở Sudan đã buộc hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Số người Sudan chạy trốn chiến sự ra nước ngoài là gần 724.000 người, trong khi số người phải di dời trong nước vượt quá 2,4 triệu người, theo cổng dữ liệu trực tuyến của Tổ chức Di cư Quốc tế (OIM), một cơ quan của LHQ.

Hơn 3 triệu người buộc phải di cư và tị nạn do xung đột ở Sudan 1
Ảnh minh họa: Reuters

Người phát ngôn của IOM, Safa Msehli cho biết lượng người di cư đã vượt qua con số 3 triệu do xung đột ở Sudan.

"Đó không chỉ là một con số. Đó là những người đã bị mất đi nhà cửa, những người phải chạy trốn để kiếm sống, những gia đình ly tán và những đứa trẻ sẽ không còn được đến trường", Safa Msehli nói.

Hiện Ai Cập và Cộng hòa Chad là những quốc gia tiếp nhận số lượng người chạy trốn bạo lực ở Sudan lớn nhất.

Số người thực tế đã rời khỏi nước này chắc chắn cao hơn con số do IOM đưa ra, vì số lượng người đến Ai Cập là gần 256.000 người tính từ ngày 18/6.

Giao tranh nổ ra từ 15/4, lực lượng quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhane chỉ huy đã đối đầu với lực lượng bán quân sự của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (FSR) của Tướng Mohamed Hamdane Daglo.

Trước đây là đồng minh, hai vị tướng này hiện đang tranh giành quyền lực và dường như quyết tâm giành lấy nó bằng vũ lực.

Hôm thứ Tư, người phát ngôn của IOM nhấn mạnh rằng họ không thể quay lưng với Sudan và cần phải khẩn trương chấm dứt chiến sự ngay lập tức. "Chúng tôi cần sự hỗ trợ lâu dài của cộng đồng quốc tế để cung cấp viện trợ và bảo vệ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột", Safa Msehli nhấn mạnh.

Xung đột đã đẩy đất nước được coi là một trong những nước nghèo nhất thế giới này vào cảnh hỗn loạn. Nhưng trong khi nhu cầu nhân đạo của người dân và những người chạy trốn bạo lực ngày càng tăng, các cơ quan nhân đạo lại đang phải phàn nàn về sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Hôm 11/7, Pierre Honnorat, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Chad đã một lần nữa giải thích với các phóng viên ở Geneva qua hội nghị trực tuyến, rằng lời kêu gọi tài trợ rõ ràng là rất thiếu hụt so với nhu cầu. "Mọi người đang chạy qua biên giới trong tình trạng bị thương và sợ hãi, cùng với những đứa trẻ trên tay và chỉ với bộ quần áo đang mặc trên người. Họ cần an ninh và viện trợ nhân đạo".

Bình luận