Cuộc khảo sát do Nikkei Research thực hiện cho Reuters đã đưa ra một loạt câu hỏi cho 506 công ty trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 12/7, trong đó có khoảng 250 công ty trả lời, với điều kiện giấu tên.
Khoảng 24% số công ty được hỏi cho biết, họ đã đưa AI vào doanh nghiệp của mình và 35% đang có kế hoạch thực hiện, trong khi 41% còn lại không có kế hoạch như vậy, cho thấy mức độ khác nhau trong việc áp dụng đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
Khi được hỏi về mục tiêu khi áp dụng AI trong một câu hỏi cho phép nhiều câu trả lời, 60% số công ty được hỏi cho biết họ đang cố gắng ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động, trong khi 53% muốn cắt giảm chi phí lao động và 36% nêu mục tiêu là đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển.
Về những rào cản khi triển khai, một người quản lý tại một công ty vận tải đã nêu ra "sự lo lắng của nhân viên về khả năng cắt giảm biên chế".
Cuộc khảo sát cho thấy những trở ngại khác bao gồm thiếu chuyên môn về công nghệ, chi phí vốn lớn và lo ngại về độ tin cậy.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 15% số công ty được hỏi đã từng bị tấn công mạng trong năm qua và 9% có đối tác kinh doanh bị tấn công mạng trong cùng thời kỳ.
Khi được hỏi về thiệt hại, 23% trong số những công ty bị tấn công mạng hoặc có đối tác kinh doanh là mục tiêu cho biết hoạt động kinh doanh của họ tạm thời bị dừng lại và 4% cho biết họ bị rò rỉ thông tin.
Về các bước tăng cường an ninh mạng, 47% số công ty được hỏi cho biết họ đang thuê ngoài dịch vụ an ninh trong khi 38% cho biết họ có chuyên gia nội bộ.