Trong cuộc gặp tại văn phòng thủ tướng, ông Kishida bày tỏ, chính phủ của ông sẵn sàng giải quyết các vụ án hiện đang chờ xử lý tại tòa án và thậm chí bồi thường cho những người chưa đệ đơn kiện.
Trước hơn 130 nguyên đơn, luật sư và người ủng hộ, ông Kishida bày tỏ: "Chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi có ít nhất 25.000 người phải chịu tổn hại nghiêm trọng do bị triệt sản" theo luật bảo vệ ưu sinh có hiệu lực từ năm 1948 đến năm 1996.
Cưỡng bức triệt sản theo luật bảo vệ ưu sinh - được coi là hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Thế chiến II.
Luật này cho phép cơ quan chức năng triệt sản những người khuyết tật trí tuệ, mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền mà không cần sự đồng ý của họ - nhằm ngăn chặn việc sinh ra những đứa con "kém cỏi".
Trong phán quyết mang tính bước ngoặt về 5 vụ kiện, Tòa án Tối cao cho biết thời hiệu 20 năm đối với hành vi vi phạm pháp luật không áp dụng cho các trường hợp liên quan đến luật ưu sinh học.
Các nguyên đơn đã đệ đơn kiện lên 5 tòa án quận ở Sapporo, Sendai, Tokyo, Osaka và Kobe, nằm trong số 39 người đã thực hiện các vụ kiện tương tự tại 11 tòa án quận và một tòa án chi nhánh kể từ năm 2018.
Trong số 4/5 trường hợp, tòa án cấp cao đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn và yêu cầu chính phủ phải đền bù từ 11 triệu yên (69.500 đô la) đến 16,5 triệu yên cho mỗi nạn nhân và 2,2 triệu yên cho vợ/chồng của nạn nhân đã chết.
Số tiền này lớn hơn nhiều so với khoản bồi thường một lần của nhà nước là 3,2 triệu yên cho mỗi người phải triệt sản bắt buộc theo luật được ban hành vào tháng 4/2019. Khoảng 1.100 người đã được chứng nhận để nhận tiền.
Ông Kishida cho biết, khoản bồi thường không chỉ được trao cho các nạn nhân mà còn cho cả vợ/chồng của họ.
"Tôi đã chỉ đạo (những người có liên quan) đưa ra kết luận sớm nhất có thể về hình thức bồi thường. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể" - ông nói.