Chờ...

Phán quyết của Tòa tối cao Nhật Bản mở ra thêm cơ hội nhận bồi thường cho nạn nhân "luật triệt sản"

VOH - Tòa án phán quyết Luật Bảo vệ Ưu sinh, bị bãi bỏ năm 1996, là vi phạm hiến pháp, chính phủ phải bồi thường cho những người bị triệt sản theo luật này.

Hãng tin AFP đưa tin, Tòa án Tối cao Nhật Bản ngày 3/7 ra phán quyết rằng Luật Bảo vệ Ưu sinh, bị bãi bỏ vào năm 1996 sau gần nửa thế kỷ áp dụng, đã vi phạm hiến pháp.

Đây là lần thứ 13 Tòa án Tối cao Nhật ra phán quyết một đạo luật là vi hiến từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Luật Bảo vệ Ưu sinh cho phép chính phủ Nhật ép triệt sản những người mắc bệnh rối loạn tâm thần, bệnh di truyền, bệnh phong hoặc khuyết tật cơ thể. Luật này cũng cho phép cưỡng ép phá thai nếu bố hoặc mẹ có các bệnh lý trên.

“Bối cảnh xã hội vào thời điểm ban hành không đủ để biện minh cho Luật Bảo vệ Ưu sinh”, thẩm phán chủ tọa Saburo Tokura nhận định trong phán quyết.

“Đạo luật đã áp đặt sự hủy hoại nghiêm trọng về khả năng sinh sản, đi ngược lại tinh thần tôn trọng nhân phẩm và đặc tính mỗi cá nhân, vi phạm Điều 13 trong Hiến pháp Nhật Bản”, ông nói, đề cập đến quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc của mọi người dân Nhật Bản.

Luat-triet-san-1471-1720161188
Các nạn nhân của Luật Bảo vệ Ưu sinh cùng luật sư và người ủng hộ gặp gỡ báo chí trước Tòa án Tối cao Nhật Bản vào ngày 3/7 - Ảnh: AFP

Ra đời năm 1948, giới lập pháp Nhật cho rằng đạo luật là cần thiết để “ngăn gia tăng số hậu duệ kém chất lượng dưới góc độ ưu sinh, đồng thời bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người mẹ”.

Giới chức Nhật Bản thống kê khoảng 25.000 trường hợp bị ép triệt sản theo Luật Bảo vệ Ưu sinh trong giai đoạn 1948-1996.

Chính phủ Nhật Bản trong nhiều năm lập luận rằng họ không có trách nhiệm bồi thường, do các cuộc phẫu thuật triệt sản đã được thực hiện từ lâu. Đến năm 2019, chính phủ Nhật đưa ra luật khắc phục hậu quả với đề xuất bồi thường cho mỗi nạn nhân 3,2 triệu yen (khoảng 19.800 USD).

Nạn nhân, gia đình và những nhóm hoạt động xã hội cho rằng đây là mức bồi thường không tương xứng và tiếp tục cuộc chiến đòi công lý.

Có 5 vụ kiện tại 4 tỉnh Sapporo, Sendai, Tokyo và Osaka được trình lên Tòa án Tối cao Nhật Bản. Trong đó, 4 vụ được Tòa án Tối cao giữ nguyên phán quyết có lợi cho nạn nhân, yêu cầu chính phủ bồi thường khoảng 102.000 USD cho nguyên đơn và 13.000 USD cho vợ hoặc chồng của họ.

Ở vụ còn lại, tòa án cấp dưới đã bác đơn với lập luận quá thời hạn tố tụng 20 năm. Tòa án Tối cao đảo ngược phán quyết này, cho rằng việc áp dụng thời hạn tố tụng đối với nạn nhân Luật Bảo vệ Ưu sinh là "không thể chấp nhận được" và "mâu thuẫn nghiêm trọng với nguyên tắc công bằng và công lý". Tòa án Tối cao Nhật yêu cầu tòa cấp dưới xử lại vụ kiện và xác định mức bồi thường của chính phủ.

Phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ mở ra thêm cơ hội đẩy nhanh bồi thường cho nhiều nạn nhân khác của Luật Bảo vệ ưu sinh.