Tòa án Nhật Bản yêu cầu Chính phủ bồi thường thiệt hại cho người bị cưỡng bức triệt sản

VOH - Ngày 3/7, Tòa án Tối cao Nhật Bản ra phán quyết yêu cầu chính phủ phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn bị buộc phải phẫu thuật triệt sản từ năm 1950 đến 1970 theo Luật Bảo vệ ưu sinh.

Trong phán quyết về 5 vụ kiện mà nguyên đơn yêu cầu bồi thường, tòa án đã cho rằng, thời hiệu 20 năm đối với hành vi vi phạm pháp luật không áp dụng cho các vụ án liên quan đến Luật Bảo vệ ưu sinh - có hiệu lực từ năm 1948 đến năm 1996.

Bản án ‘mở đường’ cho các nạn nhân - là người khuyết tật trí tuệ, người bị bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền bị ép triệt sản nhằm ngăn chặn việc sinh ra những đứa con "kém cỏi" - được bồi thường theo phạm vi của phán quyết.

triet-san-nhat-ban-040724
Nguyên đơn, cùng với luật sư đến Tòa án Tối cao ở Tokyo để nghe phán quyết của tòa án - Ảnh: Kyodo

Các nguyên đơn đã đệ đơn kiện lên 5 tòa án ở Sapporo, Sendai, Tokyo, Osaka và Kobe. Họ nằm trong số 39 người đã kiện đòi bồi thường thiệt hại - trong các vụ kiện tương tự kể từ năm 2018.

Tòa án tối cao cho biết, "việc miễn trừ trách nhiệm cho chính phủ bằng cách áp dụng luật giới hạn thời gian là cực kỳ bất công", đồng thời gọi việc nhà nước áp dụng luật này là "không thể chấp nhận được" vì nó là "lạm dụng quyền lực".

Cả 15 thẩm phán đều nhất trí cho rằng, Luật Bảo vệ ưu sinh là vi hiến vì vi phạm Điều 13 của Hiến pháp 'bảo đảm quyền tự do của mọi người không phải trải qua các thủ thuật xâm lấn về mặt thể chất trái với ý muốn của họ' và Điều 14 quy định về 'quyền bình đẳng'.

Đây là vụ thứ 13 mà Tòa án Tối cao phán quyết một đạo luật là vi hiến.

Thủ tướng Fumio Kishida cùng ngày đã chỉ đạo bà Ayuko Kato, Bộ trưởng phụ trách chính sách trẻ em, sắp xếp một cuộc họp giữa ông và các nguyên đơn trong tháng này.

Ông Kishida nói với các phóng viên "Chính phủ thành thật lấy làm tiếc và gửi lời xin lỗi sâu sắc đến các nguyên đơn vì đã phải chịu đựng nỗi đau to lớn khi thực hiện phẫu thuật triệt sản".

"Tôi muốn trực tiếp gửi lời xin lỗi" khi gặp các nạn nhân bị cưỡng bức triệt sản, ông nói.

Tổng thư ký Nội các Yoshimasa Hayashi phát biểu tại một cuộc họp báo rằng, Chính phủ sẽ nhanh chóng bồi thường và phản ứng thích hợp sau khi xem xét phán quyết.

Trước đó, 4 tòa án cấp cao đã yêu cầu chính phủ phải bồi thường từ 11 triệu yên (68.000 USD) đến 16,5 triệu yên cho mỗi nạn nhân và 2,2 triệu yên cho vợ/chồng của nạn nhân đã chết.

Số tiền này lớn hơn nhiều so với khoản bồi thường một lần của nhà nước là 3,2 triệu yên cho mỗi người bị triệt sản bắt buộc theo luật được ban hành vào tháng 4/2019. Khoảng 1.100 người đã được nhận tiền bồi thường.

Theo dữ liệu của chính phủ, theo Luật Bảo vệ ưu sinh – hiện đã hết hiệu lực, có khoảng 25.000 người Nhật đã bị triệt sản, trong đó có 16.000 người không đồng ý làm điều này.

Bình luận