Tòa án Nhật yêu cầu Chính phủ bồi thường 123.000 USD cho một phụ nữ bị cưỡng bức triệt sản

(VOH) - Phiên tòa tại Nhật Bản hôm 24/2 đã yêu cầu Chính phủ bồi thường thiệt hại cho một phụ nữ khiếm thính đã bị triệt sản cưỡng bức theo luật bảo vệ thuyết ưu sinh hiện đã không còn tồn tại.

Tòa án tỉnh Shizuoka nhận thấy, luật năm 1948 là vi hiến và yêu cầu Chính phủ bồi thường 16,5 triệu yên (khoảng 123.000 USD) cho nguyên đơn - người đã đệ đơn kiện vào năm 2019 vì cho rằng cô buộc phải trải qua phẫu thuật cưỡng bức triệt sản vào năm 1970.

Đây là trường hợp thứ tư được bồi thường thiệt hại do cưỡng bức triệt sản tại Nhật

triệt sản
Những người ủng hộ nguyên đơn của vụ kiện liên quan đến cưỡng bức triệt sản tập trung trước tòa án (Ảnh: KYODO)

Khi đưa ra phán quyết, chủ tọa phiên tòa Yoshinori Masuda cho biết, việc cưỡng bức triệt sản vi phạm quyền tự do của người phụ nữ trong việc quyết định có sinh con hay không, vi phạm Hiến pháp đảm bảo quyền mưu cầu hạnh phúc.

Ông nói: "Việc phẫu thuật triệt sản không có sự đồng thuận 'dựa trên quan điểm phân biệt đối xử nhằm ngăn chặn việc sinh ra những đứa trẻ khuyết tật’ đã dẫn đến 'sự đau khổ to lớn về tinh thần và thể chất'".

Tòa án phán quyết rằng, Chính phủ có nghĩa vụ bồi thường cho người phụ nữ và thời hiệu 20 năm đối với hành vi trái pháp luật theo Bộ luật Dân sự không được áp dụng.

Các vụ kiện tương tự đã được đệ trình lên 10 tòa án trên khắp Nhật Bản. Hầu hết các tòa án đã bác các yêu cầu đòi bồi thường khi hết thời hiệu khởi kiện.

Tại Nhật Bản, từ năm 1948 đến năm 1996, luật bảo vệ thuyết ưu sinh cho phép triệt sản những người thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc rối loạn di truyền, ngay cả khi không có sự đồng ý của họ. Khoảng 25.000 người đã bị triệt sản theo luật này.

Luật sư của người phụ nữ đã khẳng định rằng "cưỡng bức triệt sản là hành vi vi phạm nhân quyền lớn nhất thời hậu chiến theo Hiến pháp Nhật Bản".

Năm 2019, một đạo luật mới có hiệu lực quy định trả 3,2 triệu yên tiền bồi thường của Chính phủ cho mỗi người bị cưỡng bức triệt sản, nhưng số tiền này hiện đã được điều chỉnh.