Hơn 40 nghị sĩ Mỹ phản đối chính quyền Biden đưa nước này quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ

(VOH) - Theo giới chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ nối lại việc tiếp xúc với Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) và sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại tổ chức này với tư cách là quan sát viên.

Quyết định này một lần nữa lại đảo ngược chính sách quốc tế quan trọng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, chính quyền Donald Trump cho rằng UNHRC đã không thể bảo vệ nhân quyền một cách hiệu quả và bị sự chỉ trích từ nhiều phía. Các nước có thành tích nhân quyền kém như Nga, Trung Quốc, Cuba và Venezuela đều được bầu làm thành viên của UNHRC. Do đó, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi tổ chức này vào năm 2018.

hon-40-nghi-si-my-phan-doi-chinh-quyen-biden-dua-nuoc-nay-quay-tro-lai-hoi-dong-nhan-quyen-lhq-voh.com.vn-anh1
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images)

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 8/2 sẽ thông báo về việc Mỹ quay trở lại UNHRC với tư cách là quan sát viên, và hy vọng sẽ được trở thành thành viên chính thức của tổ chức này vào cuối năm nay.

Quan chức này cho biết: "Chúng tôi dự định làm như thế bởi vì chúng tôi biết rằng cách hiệu quả nhất để cải cách và cải thiện Hội đồng Nhân quyền là tiếp cận với nó một cách có nguyên tắc".  

Đưa Mỹ quay trở lại UNHRC là chủ trương của ông Biden khi ông tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái. Liên quan đến vấn đề này, hơn 40 nghị sĩ đảng Cộng hòa ngày 5/2 đã cùng ký tên trong một lá thư gửi đến Tổng thống Biden, yêu cầu ông không đưa nước Mỹ quay trở lại UNHRC.  

Trong thư, các nghị sĩ nói rằng kể từ khi thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền đã không thực hiện nghiêm túc những tôn chỉ, mục đích cơ bản của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Ngược lại, đi ủng hộ những chính quyền áp bức trên thế giới.  

Các nghị sĩ chỉ ra rằng UNHRC đã "nhắm mục tiêu một cách không cân xứng" vào Israel, nhưng lại không thông qua bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến việc vi phạm nhân quyền của các nước như Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Pakistan và các quốc gia khác trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2019.  

Theo tờ Newsweek cho hay, trong vòng 10 năm qua, UNHRC đã soạn thảo hơn 40 nghị quyết về việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Chính phủ Israel cho rằng UNHRC có thành kiến ​​đối với nước này.  

Sau khi chính quyền Donald Trump rút khỏi UNHRC, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ hoan nghênh quyết định này.  

Ông Netanyahu nói rằng UNHRC không để tâm đến các chế độ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống mà lại tập trung sự quan tâm vào Israel, một quốc gia dân chủ thực sự duy nhất ở Trung Đông.