Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hơn 99 triệu ca nhiễm, 2,1 triệu người chết do Covid-19

(VOH) - Đến ngày hôm nay 24/1/2021, thế giới ghi nhận 99.284.871 triệu ca nhiễm, 2.128.518 triệu người chết vì Covid-19.

Đáng chú ý, chỉ trong 24 giờ qua, số ca nhiễm đã tăng thêm 561.329 và 13.586 ca tử vong, theo trang Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 166.190 ca nhiễm và 3.378 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 25.559.410 và 427.586 người chết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký 10 sắc lệnh, gồm thắt chặt quy định đeo khẩu trang và ra lệnh cách ly đối với những người đến Mỹ bằng đường không. Các sắc lệnh khác gồm tái kích hoạt chương trình tiêm chủng và mở rộng yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng. Biden cũng công bố mục tiêu 100 triệu liều vắc xin được sử dụng trong 100 ngày. Cho đến nay, chỉ mới 16,5 triệu liều được tiêm.

đeo khẩu trang, voh.com.vn
Mỹ thắt chặt quy định đeo khẩu trang và ra lệnh cách ly đối với những người đến Mỹ bằng đường hàng không

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 14.891 ca nhiễm và 155 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.655.435 và 153.376.

Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn xuất khẩu lô vắc xin Covid-19 đầu tiên được sản xuất trong nước vào ngày 23/1.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.176 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 216.475, Số người nhiễm nCoV tăng 61.121 ca trong 24 giờ qua, lên 8.816.254.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 20.921 ca nhiễm nCoV và 559 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.698.273 và 68.971.

Hiện đã có 1,5 triệu công dân đã được tiêm vắc xin, sau khi chiến dịch tiêm chủng đại trà được khởi động từ 18/1. Trước đó nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi.

Nga đã nộp đơn đăng ký xin cấp phép sử dụng Sputnik V tại Liên minh châu Âu và dự kiến được xem xét vào tháng 2. Sputnik V đã được phê duyệt ở Argentina, Belarus, Serbia và một số nước khác.

Anh - vùng dịch lớn thứ năm thế giới, cũng là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở châu Âu, với hơn 3,6 triệu ca nhiễm và hơn 97.000 người tử vong. Thủ tướng Johnson khẳng định, chính phủ của ông sẽ không xem xét chấm dứt lệnh phong tỏa hiện tại ở Anh cho đến khi tỉ lệ lây nhiễm virus "rất cao" giảm xuống.

Truyền thông Anh cho biết, ngày 26/1 Thủ tướng Boris Johnson có thể công bố lệnh cách ly bắt buộc 10 ngày tại khách sạn với người nhập cảnh từ những quốc gia có nguy cơ Covid-19 cao như Brazil, Nam Phi và các nước láng giềng. Ông Johnson dường như ưu tiên phương án cách ly có chọn lọc, thay vì cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Anh.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 23.924 ca nhiễm và 230 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.035.181 và 72.877.

Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 1,21 triệu người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vắc xin của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.

Từ ngày 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.

Bồ Đào Nha hôm 23/1 đã ghi nhận 15.333 ca nhiễm Covid-19 mới, vượt kỷ lục về số ca nhiễm/ngày từng được ghi nhận vào hôm 20/1, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên 624.469.

Số ca tử vong trong ngày 23/1 tại Bồ Đào Nha là 720, nâng tổng số người tử vong bởi Covid-19 lên tới 10.194. Mặc dù những biện pháp hạn chế đi lại vẫn được áp dụng, người dân Bồ Đào Nha sẽ được phép đi lại vào ngày 24/1 để bầu cử tổng thống.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 977.474 ca nhiễm, tăng 12.191, trong đó 27.664 người chết, tăng 211.

Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vắc xin đến tháng 3/2021.

Philippines đã có 511.679 ca nhiễm và 10.190 ca tử vong, tăng lần lượt 1.797 và 54 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vắc xin Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vắc xin từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.

Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vắc xin, Manila trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinovac.

Giới chức y tế Malaysia ngày 23/1 ghi nhận 4.275 ca mắc Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.

Tổng số ca nhiễm tại Malaysia đã tăng lên 180.455, bao gồm 667 ca tử vong. Bất chấp tình hình dịch bệnh leo thang, giới chức Malaysia vẫn quyết định tổ chức kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp phổ thông và thi đại học), với đợt thi đầu tiên từ 22/2.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen hôm 23/1 cho biết, khoảng 500.000 người dân nước này sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 trước dịp Tết vào tháng 4 năm nay.

Theo Thủ tướng Hun Sen, gần 300.000 liều vắc-xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được chuyển tới Campuchia trong tháng 2. Ông khẳng định sẽ là người đầu tiên tình nguyện tiêm vắc xin Sinopharm và tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi tiêm tại bệnh viện Calmette, thủ đô Phnom Penh.

Bình luận