Chờ...

Hungary từ chối tài trợ vũ khí cho Ukraine

VOH - Ngày 22/1, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, Hungary không tham gia tài trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine từ Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF).

"Hungary trước đây chưa gửi vũ khí và sẽ không gửi vũ khí sau vụ này. Chúng tôi chưa sẵn sàng tham gia vào bất kỳ quyết định hoặc quy trình nào dẫn đến việc tăng nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine" - ông Szijjarto nói với đài truyền hình M1.

Ông Szijjarto nói thêm, Budapest không thể và không muốn ngăn cản nước khác gửi vũ khí trên cơ sở quyết định quốc gia.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto - Ảnh: Hungary Today

Xem thêm: Nguồn cung vũ khí của EU cho Ukraine đạt mức kỷ lục

Kể từ khi bắt đầu xung đột vào tháng 2/2022, Hungary liên tục phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, quốc hội Hungary còn ban hành sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine từ lãnh thổ Hungary. 

Hungary tin rằng, việc cung cấp vũ khí cho Kiev chỉ kéo dài và châm ngòi cho xung đột.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Budapest đã phản đối chuyển giao vũ khí cho Kiev, huấn luyện binh sĩ Ukraine ở EU và ngừng trung chuyển dầu Nga cho châu Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban không ủng hộ các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, khiến quan hệ Kiev - Budapest trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng, Ukraine nên nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt xung đột.

Theo RT, Thủ tướng Fico dự kiến sẽ tới thành phố biên giới Uzhgorod của Ukraine vào ngày 24/1 và gặp người đồng cấp Ukraine Denis Shmygal.

Ông Fico nhận định, cuộc xung đột Nga – Ukraine không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự và phải kết thúc bằng sự thỏa hiệp, điều này có thể “gây đau đớn cho cả 2 bên”.

Đáp trả, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine Aleksander Merezhko đã yêu cầu hủy chuyến thăm của ông Fico vì “những phát biểu đáng hổ thẹn” và vượt qua “giới hạn đỏ”.

Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (EEAS) đang phát triển một kế hoạch mới để cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine, cho phép các thành viên khối thay thế quyền phủ quyết của Hungary đối với hỗ trợ tài chính trung hạn của Liên minh Châu Âu cho Ukraine với trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ nhất trí thông qua viện trợ tài chính cho Ukraine vào đầu năm 2024.