Đây là lần đình công thứ hai trên phạm vi toàn quốc diễn ra chỉ trong vòng một tuần ở Hy Lạp.
Theo đó, các tàu thuyền đồng loạt neo đậu tại bến, hệ thống tàu điện và xe lửa thì ngừng hoạt động và các dịch vụ ngân hàng thì gián đoạn. Những người bày tỏ sự phản đối ngoài lao động thuộc kinh tế tư nhân còn có cả những người hưởng chế độ trợ cấp của chính phủ và những người đang thất nghiệp. Họ dự định sẽ tổ chức một cuộc tuần hành phản đối trên đường phố Athens - thủ đô Hy Lạp vào khoảng giữa trưa ngày thứ Tư 2/10 (giờ địa phương).
Các tổ chức nghiệp đoàn khu vực công cũng lên kế hoạch ngừng làm việc để tiếp tục phản đối cải cách lao động của chính phủ.
Tàu thuyền ngừng hoạt động, neo đậu tại cảng Piraeus, Hy Lạp trong lần đình công mới nhất ngày 2/10/2019. Ảnh: Reuters
Nguyên nhân của cuộc đình công là do Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đang lên kế hoạch để thay đổi một số điều lệ lao động, trong đó cho phép thay đổi các thỏa thuận tiền lương tập thể giữa nghiệp đoàn và người sử dụng lao động; đồng thời yêu cầu các tổ chức công đoàn khi thành lập phải thực hiện đăng ký với Nhà nước - điều này đã khiến người lao động cho rằng Chính phủ muốn gia tăng kiểm soát hoặc làm suy yếu hoạt động của các tổ chức này.
Thành viên của các tổ chức nghiệp đoàn tin rằng lần cải cách này sẽ không giúp làm giảm số người thất nghiệp - chiếm 17% dân số Hy Lạp và cao nhất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu; đồng thời cũng không đem lại sự tăng trưởng kinh tế như chính phủ đã tuyên bố trước đó. Được biết, dự luật cải cách lao động này sẽ được tiến hành bỏ phiếu vào tháng này.
Tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất Hy Lạp GSEE đã đại diện cho khoảng 2,5 triệu lao động cho biết: "Những điều khoản này phải bị rút lại ngay lập tức."
Người lao động tuần hành phản đối dự luật cải cách lao động mới của Chính phủ. Ảnh: In-Cyprus.com
Trong những năm gần đây, các cuộc tuần hành hay cuộc đình công đã giảm đáng kể về quy mô sau nhiều năm Hy Lạp chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính, buộc nước này phải viện đến các khoản cứu trợ trị giá 289 tỷ euro (330 tỷ USD) từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF).
Đổi lại, Athens áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân với các cải cách về tiền lương, lương hưu, tăng thuế và cải cách lao động. Gói cứu trợ thứ ba trị giá gần 86 tỷ euro được kích hoạt vào tháng 8/2015 và kết thúc vào tháng 8/2018. Tuy nhiên, tổng nợ công của Hy Lạp trong năm ngoái vẫn cao tới 335 tỷ euro (372 tỷ USD), tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các chủ nợ hiện vẫn giám sát tiến trình cải cách và tình hình tài chính của Hy Lạp, và kỳ vọng nước này đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP và duy trì mục tiêu này đến năm 2022, và nỗ lực đạt mức 2,2% GDP vào các năm về sau.
Chính phủ của Thủ tướng Mitsotakis đã cam kết thuyết phục các chủ nợ hạ thấp các mục tiêu thăng dư ngân sách đồng thời đề xuất phát thêm tiền cho những người về hưu vào năm tới. Ông Mitsotakis cũng cam kết tăng tiền lương bằng cách cắt giảm khoản đóng góp an ninh xã hội đối với những người làm việc toàn thời gian và giảm thuế doanh nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư.