Ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giải thích rằng, mực nước hồ chứa đã giảm xuống dưới mức mà trước đây người ta ước tính các máy bơm sẽ không thể hoạt động, nhưng hệ thống không bị gián đoạn. Điều đó giúp nhà máy có thêm thời gian trước khi phải chuyển sang các nguồn làm mát thay thế.
“Tuy nhiên, tình hình an ninh và an toàn hạt nhân nói chung vẫn rất bấp bênh và có khả năng gây nguy hiểm” - ông cho biết.
Sự cố vỡ đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine là một trong những thảm họa công nghiệp và sinh thái lớn nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Thảm họa đã phá hủy toàn bộ các ngôi làng, ngập lụt đất nông nghiệp, làm mất điện và nước sạch của hàng chục nghìn người, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
Ông Grossi cho biết, kể từ khi đập bị vỡ, mực nước của hồ chứa giảm hơn 4 m và nó đang mất từ 4 - 7 cm nước mỗi giờ. Một đánh giá về nhà máy điện cho thấy, nó có khả năng tiếp tục bơm nước từ hồ chứa ngay cả khi nước giảm thêm 1 – 2 m và có thể thấp hơn nữa.
Một khi nhà máy điện hạt nhân không còn có thể sử dụng hồ chứa để làm mát sáu lò phản ứng, Grossi cho biết, nguồn cung cấp nước thay thế - bao gồm một ao làm mát lớn bên cạnh nhà máy, một số ao nhỏ hơn và giếng tại chỗ - có thể cung cấp nước làm mát cần thiết trong vài tháng.
Grossi cho biết, các nhóm IAEA tại hiện trường đã yêu cầu được tiếp cận các khu vực xung quanh nhà máy và hồ chứa để tìm hiểu thêm.
Nhà máy Zaporizhzhia - với sáu lò phản ứng là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, với khoảng một nửa lượng điện đến từ các lò phản ứng tại 4 nhà máy trên khắp đất nước.
Nhà máy Zaporizhzhia do lực lượng Nga nắm giữ nhưng chủ yếu được vận hành bởi lực lượng lao động Ukraine.
Xung đột xung quanh nhà máy và môi trường làm việc đầy nguy hiểm đối với nhân viên của nhà máy đã khiến nhà máy Zaporizhzhia trở thành chủ đề thường xuyên được IAEA và các nhà quan sát quốc tế khác quan tâm.