Theo phân tích của hãng tin Reuters hồi đầu năm, một đội tàu chở dầu nhận nhiệm vụ vận chuyển dầu từ các quốc gia đang bị áp lệnh trừng phạt như Iran, Nga và Venezuela đã đi qua Eo biển Singapore để tránh bị phát hiện.
Từ đó, rủi ro về việc vận chuyển không đảm bảo an toàn, như nguy cơ tràn dầu hoặc tai nạn hàng hải, ngày càng tăng khi phát sinh thêm hàng trăm tàu "chui" không đăng ký bảo hiểm vẫn hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế.
Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) thông báo, siêu tàu chở dầu thô (VLCC) tên MT Arman 114 chở theo 272.569 mét khối dầu thô, với tổng trị giá 4,6 ngàn tỷ rupiah (304 triệu USD) đã bị bắt giữ vì nghi vận chuyển, sang chiết dầu trái phép.
Lãnh đạo Bakamlia, ông Aan Kurnia cho biết siêu tàu trên bị bắt giữ vào thứ Sáu tuần trước ngày 7/7 sau khi bị phát hiện đang sang chiết dầu qua tàu MT S Tinos treo cờ Cameroon tại vùng biển Bắc Natuna của Indonesia
Hai siêu tàu đã cố gắng trốn thoát và cơ quan chức năng quyết định truy đuổi tàu MT Arman, với sự hỗ trợ từ giới chức Malaysia sau khi tàu này đi vào vùng biển nước bạn - ông Kurnia nói thêm.
Ngoài ra, tàu MT Arman còn đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định về an toàn hàng hải, như can thiệp trái phép vào hệ thống nhận dạng tự động AIS, giả lập vị trí của tàu là ở Biển Đỏ trong khi thực tế con tàu đang ở vùng biển Indonesia.
Ông Aan cũng cam kết lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng khác, sẽ tăng cường tuần tra trong vùng biển của nước này. Được biết đến là "quốc gia vạn đảo", Indonesia là khối lãnh thổ gồm nhiều đảo và quần đảo lớn nhất thế giới với khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ.
Năm 2021, Indonesia từng bắt giữ các tàu treo cờ Iran và Panama do các cáo buộc tương tự. Thuyền trưởng của các tàu này sau đó đã bị tòa án Indonesia ra án treo hai năm.