Sáng 30/4, Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ núi lửa và địa chất (PVMBG) của Indonesia đã cảnh báo người dân đảo Tagulandang, Bắc Sulawesi rằng sóng thần có thể xuất hiện do các vật thể từ vụ phun trào núi lửa sụp đổ xuống đại dương. Cảnh báo vẫn được duy trì cho đến chiều cùng ngày.
Sau vụ phun trào, PVMBG đã nâng mức cảnh báo của núi lửa Ruang lên mức cao nhất, đồng thời kêu gọi người dân không đến gần núi lửa.
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết toàn bộ 843 cư dân sống trên đảo Ruang - nơi núi lửa tọa lạc - đã được chuyển đến Manado, thủ phủ của tỉnh Bắc Sulawesi. Trong khi đó, cư dân đảo Tagulandang cũng đang được sơ tán đến đảo Siau ở phía Bắc.
Trước đó vào đầu tháng 4, núi lửa Ruang cũng xảy ra nhiều lần phun trào khiến hàng trăm người phải sơ tán và sân bay ở thủ phủ Manado của tỉnh phải đóng cửa. Vụ phun trào này cũng khiến nhiều ngôi nhà bị hư hại. Vào thời điểm đó, cơ quan núi lửa địa phương đã ra cảnh báo về khả năng xảy ra sóng thần trong khu vực.
Các đoạn video do cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia công bố cho thấy nhiều tia sét lóe lên phía trên miệng núi lửa Ruang, các cột khói lớn như mây chuyển màu đỏ rực từ dung nham, đất đá từ núi lửa phun lên không trung và rơi xuống hòn đảo.
Cơ quan núi lửa Indonesia cho biết cột tro bui núi lửa cao tới 5 km, đồng thời kêu gọi bất kỳ cư dân còn lại nào trong bán kính 7 km (theo thông báo trước là 6 km) phải sơ tán ngay lập tức, đồng thời cảnh báo về những "vụ phun trào bùng nổ" có thể xảy ra sau đó.
Đảo Ruang nơi có núi lửa tọa lạc nằm cách thủ phủ Manado của tỉnh Bắc Sulawesi khoảng 100 km. Theo cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia, núi lửa phun trào là hệ quả sự gia tăng đột biến của hoạt động địa chấn và các chấn động nằm sâu dưới núi lửa.
Chính quyền địa phương một lần nữa đã phải đóng cửa sân bay Sam Ratulangi ở Manado vào ngày 30/4 do tro bụi núi lửa lan rộng gây ảnh hưởng tới tầm nhìn và hoạt động của máy bay. Dự kiến sân bay sẽ đóng cửa đến trưa ngày 1/5, theo Bộ Giao thông vận tải Indonesia.
Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương” - một vòng cung hoạt động địa chấn dữ dội, nơi các mảng kiến tạo va chạm kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương. Theo thống kê hiện quốc gia này còn 127 núi lửa vẫn đang hoạt động.