Những người này được cho là đã gây thiệt hại cho nhà nước lên đến 3.310 tỷ Rp (tương đương 203,19 triệu USD). Những hành vi này liên quan đến quản lý yếu kém và các hoạt động gian lận đối với 109 tấn vàng do Antam sản xuất.
Theo công tố viên Syamsul Bahri Siregar, từ năm 2010 đến 2022, các bị cáo đã hợp tác với các cá nhân, công ty và cửa hàng vàng tư nhân bên ngoài hệ thống Antam để tinh chế và nấu chảy vàng mà không được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị công ty.
Những hợp đồng liên kết này không chỉ vi phạm luật pháp Indonesia mà còn khiến việc xác định nguồn gốc và tính hợp pháp của số vàng gặp khó khăn.
Hành động này đã làm tăng nguy cơ các hoạt động khai thác vàng trái phép và vi phạm các quyền con người, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Theo cáo trạng, sự thiếu giám sát đã tạo ra lỗ hổng trong hệ thống quản lý của Antam, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia.
Vụ án này thu hút sự chú ý lớn bởi Antam là một trong những công ty khai thác mỏ lớn của Indonesia, đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của quốc gia Đông Nam Á này.
Những hành vi tham nhũng và quản lý sai phạm đã gây ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ về mặt tài chính mà còn về uy tín của các cơ quan nhà nước và ngành công nghiệp khai thác mỏ tại Indonesia.
Indonesia đã bắt giữ hàng loạt quan chức nhà nước vì tội tham nhũng trong những năm gần đây, trong bối cảnh Chính phủ cam kết mạnh mẽ chấm dứt vấn nạn này.