Quyết định gia hạn trên là động thái tạo điều kiện cho nỗ lực hồi sinh hiệp ước hạt nhân mà Iran đã ký kết với nhóm các cường quốc vào năm 2015.
Vào tháng 2 năm nay, IAEA - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Iran đã đạt được thỏa thuận giám sát trong thời hạn 3 tháng nhằm tăng cường mối liên kết giữa Iran và IAEA, đồng thời cho phép cơ quan này tiếp tục giám sát một số hoạt động phát triển hạt nhân của Iran - vốn từng bị gián đoạn trước đó.
Ngày 23/5, chính quyền Tehran cho biết thỏa thuận giám sát trên đã hết hạn, và việc IAEA tiếp cận dữ liệu hình ảnh từ bên trong các lò phản ứng hạt nhân của Iran sẽ kết thúc.
Đại sứ Iran tại IAEA - Kazem Gharibabadi cho biết: “Tổng giám đốc IAEA hôm nay 24/5 đã được thông báo quyết định của Iran về việc gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân thêm 1 tháng.”
“Dữ liệu trong vòng 3 tháng qua vẫn thuộc quyền sở hữu của Iran và sẽ không được bàn giao cho IAEA. Dữ liệu của tháng tiếp theo cũng chỉ thuộc về riêng Iran, theo các điều khoản của thỏa thuận”, ông Gharibabadi nói thêm.
Ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc IAEA cũng xác nhận thỏa thuận giám sát hạt nhân với Iran đã được gia hạn đến ngày 24/6.
Các quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng việc không gia hạn thỏa thuận giám sát hạt nhân có thể gây hại đến những nỗ lực cứu vãn hiệp ước hạt nhân mà Iran đã ký kết với nhóm 6 cường quốc trên thế giới, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Hiệp ước này không cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân, song quốc gia Trung Đông này khẳng định chưa bao giờ có mong muốn như vậy.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp ở Tehran ngày 23/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Tổng thống Rouhani cho biết thêm, sau khi xem xét, đánh giá vòng đàm phán gần đây ở Vienna (Áo), Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran theo thỏa thuận JCPOA. Nhà lãnh đạo Iran thông báo các bên tham gia đàm phán đã đồng ý rằng mọi lệnh trừng phạt chủ chốt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ.
Năm 2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA, đồng thời khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế Iran. Tehran sau đó đã đáp trả bằng các biện pháp hạt nhân mà nước này được quyền thực hiện theo JCPOA. Các cuộc đàm phán hiện nay nhằm thảo luận khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân cũng như khả năng Mỹ trở lại thỏa thuận quan trọng này.