Ông Morteza Shahmirzaei (giám đốc điều hành Công ty Hóa dầu Quốc gia Iran) cho biết nước này đang triển khai một số dự án hóa dầu với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD tại tỉnh Ilam, thuộc miền Tây Iran.
Việc phát triển ngành lọc hóa dầu Iran có thể là một cơ chế phòng vệ trước tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Theo ông Shahmirzaei, lĩnh vực hóa dầu hiện có giá trị gia tăng cao nhất trong ngành dầu mỏ của Iran. Công suất sản xuất hóa dầu của Iran hiện đạt 90 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ tăng lên 200 triệu tấn trong 10 năm tới.
Theo chiến lược phát triển 10 năm của ngành hóa dầu, Iran sẽ triển khai 35 dự án sản xuất propylene với tổng công suất 13 triệu tấn/năm.
Iran sẽ đầu tư khoảng 18 tỷ USD để phát triển các dự án lọc dầu chủ chốt trong vài năm tới. Nguồn vốn sẽ được phân bổ cho các dự án lọc dầu mới cũng như một số dự án đường ống để vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji, Iran đặt mục tiêu tăng công suất lọc dầu và chế biến khí ngưng tụ từ 2,2 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025-2026.
Kim ngạch xuất khẩu hóa dầu của Iran dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD trong năm 2022. Các sản phẩm hóa dầu xuất khẩu chủ lực của Iran bao gồm propan hóa lỏng, metanol, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), urea và butan hóa lỏng.
Iran có trữ lượng dầu thô được kiểm chứng lớn thứ tư thế giới, sau Venezuela, Arab Saudi và Canada, với 155,6 tỷ thùng. Nhờ có các nguồn tài nguyên dầu khí, việc phát triển các nhà máy lọc dầu ở Iran dễ dàng hơn nhiều và tương đối rẻ so với các nước khác trên thế giới.