Tại Tel Aviv, khoảng 60.000 người đã tập trung ở đường Kaplan, nơi đặt khu nhà phức hợp của chính phủ, kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngừng thực hiện các kế hoạch cải cách tư pháp vừa được đề xuất.
Khoảng 10.000 người khác cũng xuống đường biểu tình ở thành phố Haifa, miền Bắc Israel, bất chấp trời mưa. Ở các thành phố khác như Jerusalem, Ra’anana, Kfar Saba thì người biểu tình ít hơn, khoảng 2.000 người.
Tham gia biểu tình có nhiều nhân vật đương chức hoặc từng giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức lớn tại Israel, như Thị trưởng Tel Aviv Ron Huldai, cựu Thủ tướng Yair Lapid, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, cựu Giám đốc cảnh sát Roni Alsheich.
Không chỉ người dân, đại diện các giới như luật sư, doanh nghiệp, báo chí, sinh viên cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình riêng để phản đối cải cách tư pháp.
Hôm 3/2, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã đề xuất tạm hoãn 2 tuần đối với tiến trình cải cách tư pháp ở nước này và tiến hành tham vấn với các bên. Ông cho biết đã "nỗ lực trong nhiều tuần qua để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hiến pháp lịch sử và sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong nội bộ quốc gia".
Trước đó vào đầu tháng 1 năm nay, Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách tư pháp, bao gồm việc cho phép Quốc hội bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao và can thiệp vào quá trình bổ nhiệm các thẩm phán.
Kế hoạch trên đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Những người phản đối cho rằng, chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang cố gắng kiểm soát hệ thống tư pháp, làm suy yếu Tòa án Tối cao, đi ngược với nền dân chủ của Israel.