Israel ngăn chặn các bác sĩ có nguồn gốc Palestine vào Gaza

VOH - CNN vừa đưa tin về chính sách mới của Israel, trong đó các nhóm cứu trợ được khuyến cáo không nên đưa các chuyên gia y tế có nguồn gốc Palestine vào dải Gaza.

Theo CNN, sự thay đổi chính sách diễn ra sau khi Israel phát động một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah hồi tháng 5, khi đó họ đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza.

dai-gaza-240724
Xe cứu thương xếp hàng dài trước cửa khẩu Rafah bên phía Ai Cập vào tháng 3 năm nay - Ảnh: Getty

Các nhóm viện trợ y tế dựa vào cửa khẩu Rafah để vào Gaza đã buộc phải sử dụng Kerem Shalom – một cửa khẩu trước đây được sử dụng cho hàng hóa thương mại – để đi từ Israel vào phía nam Gaza.

Trước khi xảy ra xung đột, các bác sĩ Palestine và bác sĩ gốc Palestine có hộ chiếu khác có thể nộp đơn xin Israel nhập cảnh vào Gaza mà không gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên, trong email do văn phòng khu vực của WHO gửi, các nhóm viện trợ được thông báo rằng, chính sách mới của COGAT (Điều phối viên các hoạt động của chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ của Israel) nêu rõ rằng, bất kỳ ai có nguồn gốc hoặc xuất thân từ Palestine sẽ bị từ chối nhập cảnh qua cửa khẩu Kerem Shalom.

Email nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào xâm nhập vào Gaza với lý lịch/gốc gác Palestine”.

Một email khác giải thích rằng, việc từ chối nhập cảnh cũng có thể do nguồn gốc tổ tiên, chẳng hạn như có "cha mẹ hoặc ông bà sinh ra hoặc đã từng định cư tại Palestine, có hoặc thậm chí không có CMND/CCCD của Palestine".

Khi được hỏi về chính sách mới của mình, COGAT không trực tiếp giải đáp câu hỏi liệu các nhân viên y tế có nguồn gốc Palestine có bị cấm nhập cảnh hay không, nhưng cho biết, "Israel cho phép cộng đồng quốc tế đưa các đội y tế có nhân viên nước ngoài vào tùy thuộc vào các cân nhắc về an ninh".

Theo CNN, kể từ khi cửa khẩu Rafah bị đóng, Israel đã hạn chế hơn nữa việc nhập khẩu vật tư y tế và hạn chế số lượng người bị thương nặng có thể rời khỏi Gaza.

Vào tháng 3, một cuộc điều tra của CNN dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức chính phủ và tổ chức nhân đạo, cùng các tài liệu do các nhóm cứu trợ biên soạn đã tiết lộ những mặt hàng thường bị Israel từ chối bao gồm: thuốc gây mê, bình oxy, máy thở, thuốc điều trị ung thư và bộ dụng cụ sản khoa.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế đang yêu cầu Israel hủy bỏ các hạn chế mới ảnh hưởng đến các phái bộ y tế, chỉ ra nhu cầu cấp thiết phải đưa các nhóm của họ vào Gaza, nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe bị tàn phá bởi cuộc xung đột.

Thống kê cho thấy, kể từ khi Israel triển khai chiến dịch đáp trả các cuộc tấn công do Hamas vào ngày 7/10, hơn 500 nhân viên y tế đã thiệt mạng và 32 trong số 36 bệnh viện đã bị hư hại hoặc phá hủy, theo Liên Hợp Quốc.

Bình luận