Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu rõ Israel sẽ đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, giáo dục, việc làm, y tế và những lĩnh vực khác.
Các cộng đồng dân cư thuộc những thị trấn nói trên sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành của Chính phủ Israel để phát triển những thị trấn này.
Vào tháng 1/2024, Israel cho biết nước này đang chuẩn bị cho phép một số cư dân nước này sống trong các cộng đồng gần biên giới với Dải Gaza trở về nhà của họ sau 3 tháng xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas.
Sau cuộc tấn công mà Hamas tiến hành hôm 7/10/2023, người dân Israel sống trong vòng 6,4 km gần Gaza đã được sơ tán.
Kể từ đó, đã có một số người Israel quay trở lại khu vực, nhưng nhiều người vẫn tránh xa khi giao tranh tiếp diễn.
Ngày 16/4, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 2,8 tỷ USD trong năm này để giúp đỡ người dân Dải Gaza bị chiến tranh tàn phá, cũng như người Palestine tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng.
Giám đốc Văn phòng điều phối vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Andrea De Domenico, khẳng định lời kêu gọi khẩn cấp này nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo đến cuối năm 2024 của khoảng 3 triệu người đang sinh sống ở Bờ Tây và Dải Gaza, trong đó 90% ngân sách dành cho Gaza.
Liên hợp quốc cảnh báo hàng ngàn người Gaza đang phải đối mặt với nạn đói, đặc biệt là ở phía Bắc vùng lãnh thổ này, nơi việc phân phối lương thực và viện trợ bị hạn chế.
Theo ông De Domenico, việc chuyển hàng viện trợ bên trong Gaza vẫn đang vấp phải sự chậm trễ đáng kể do kiểm tra an ninh, và 41% đề nghị chuyển hàng cứu trợ của Liên hợp quốc trong tuần trước ở khu vực phía Bắc Gaza đã bị từ chối.
Vấn đề nhân đạo hiện nay ở Gaza không phải chỉ là lương thực, do nguy cơ về nạn đói còn phức tạp hơn nhiều, khi nước, vệ sinh và y tế có ý nghĩa nền tảng trong việc ngăn chặn nạn đói.