Đoạn video cho thấy cây cầu Sultanganj dài 3 km đột ngột đâm sầm xuống sông Hằng vào ngày 4/6, khiến một đám mảnh vụn và bụi bay lên trời và sóng lăn tăn trên dòng sông linh thiêng.
Video: Khoảng khắc cây cầu bị sập lần thứ hai - Nguồn: Telegraph
Trong một clip được ghi lại, có thể nghe thấy đám đông người dân trên bờ sông quay phim cây cầu và la hét khi nó đổ xuống. Reuters đưa tin 8 người đàn ông đã ở trên cầu khi nó bị sập và một trong số họ vẫn chưa được tìm thấy.
Hôm 5/6, thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar cho biết, ông đã ra lệnh điều tra vụ việc.
Công ty thiết kế và kỹ thuật cây cầu, McElhanney đã biết về “sự sụp đổ một phần” của cây cầu và “quan ngại sâu sắc” về sự an toàn và sức khỏe của những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
Công ty sẽ “hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào”, tuyên bố cho biết.
CNN đã liên hệ với SP Singla Constructions, công ty đang xây dựng cây cầu, nhưng không nhận được phản hồi.
Theo McElhanney, cây cầu dự kiến sẽ có bốn làn xe lưu thông và một lối đi bộ, tổng vốn đầu tư 208 triệu USD. cây Cầu được kỳ vọng sẽ giảm bớt tắc nghẽn trên ba cây cầu đường bộ hiện có của bang.
Cầu Sultanganj bị sập hai lần kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2017. Lần đầu tiên cầu sập là vào tháng 4 năm ngoái và không rõ tại sao cây cầu bị sập, tình hình khắc phục ra sao.
Tai nạn liên quan đến chất lượng xây dựng kém phổ biến ở Ấn Độ, nơi các công ty xây dựng cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp.
Vào năm 2016, một cầu vượt ở Kolkata, một trong những thành phố đông dân nhất của Ấn Độ, đã bị sập. Ít nhất 80 người thiệt mạng trong vụ tai nạn, Channel News Asia đưa tin.
Nhà báo Ấn Độ Sohini Chattopadhyay đưa tin rằng cầu vượt được làm bằng thép không đạt chất lượng kiểm tra, theo CNA.
Tháng 10 năm ngoái, một cây cầu treo bị sập tại thị trấn Morbi ở Gujarat, khiến 135 người thiệt mạng.