Khủng hoảng khí hậu khiến thu nhập trung bình giảm gần 1/5 vào năm 2050

VOH - Một nghiên cứu mới cho thấy, thu nhập trung bình sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 26 năm tới do khủng hoảng khí hậu.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, nhiệt độ tăng, lượng mưa lớn hơn và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và dữ dội hơn được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại 38 nghìn tỷ USD mỗi năm vào giữa thế kỷ.

bien-doi-khi-hau-180424
Một người đàn ông che nắng khi đi qua một cái ao khô cạn ở Việt Nam vào tháng 3, tháng được ghi nhận là tháng nóng nhất trên toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Con số thiệt hại khổng lồ - cao hơn nhiều so với ước tính trước đây - sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong những thập kỷ tới do lượng khí thải khổng lồ được bơm vào khí quyển thông qua việc đốt khí đốt, dầu, than và cây cối.

Điều này sẽ gây ra tổn thất cho hầu hết mọi quốc gia, tác động nghiêm trọng không tương xứng đối với những người ít chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu, làm tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn.

Nghiên cứu cho thấy, mức giảm thu nhập trung bình trên toàn thế giới sẽ là 19% vào năm 2049. Ở Hoa Kỳ và Châu Âu, mức giảm sẽ vào khoảng 11%, trong khi ở Châu Phi và Nam Á là 22%, và một số quốc gia riêng lẻ cao hơn nhiều so với con số này.

Nghiên cứu cũng xem xét nửa sau thế kỷ này, thời điểm mà hành động của con người hiện nay vẫn có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Nếu hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục, các tác giả dự đoán tổn thất thu nhập trung bình là hơn 60% vào năm 2100. Nhưng nếu lượng khí thải giảm xuống mức 0 vào giữa thế kỷ, thì mức giảm thu nhập sẽ ổn định vào giữa thế kỷ ở mức khoảng 20%.

Tác động kinh tế mà bài báo dự đoán cao hơn gấp đôi so với bất kỳ phân tích nào trước đó.

Maximilian Kotz, một tác giả của nghiên cứu cho biết: “Việc giảm thu nhập mạnh mẽ được dự báo sẽ xảy ra ở phần lớn các khu vực, bao gồm Bắc Mỹ và Châu Âu, trong đó Nam Á và Châu Phi bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Những nguyên nhân này là do tác động của biến đổi khí hậu lên các khía cạnh khác nhau có liên quan đến tăng trưởng kinh tế như năng suất nông nghiệp, năng suất lao động hoặc cơ sở hạ tầng”.

Các tác giả cho biết, nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải có các chiến lược thích ứng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để đối phó với những thay đổi đến năm 2050 vốn đã ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu.

Việc giảm lượng khí thải rẻ hơn nhiều so với việc không làm gì và chấp nhận những tác động nghiêm trọng hơn. Đến năm 2050, chi phí giảm thiểu - ví dụ từ việc loại bỏ dần năng lượng hóa thạch và thay thế bằng năng lượng tái tạo - là 6 nghìn tỷ USD, thấp hơn 1/6 so với chi phí thiệt hại trung bình là 38 nghìn tỷ USD trong năm đó.

Bình luận