Cuộc họp do Đại hội đồng LHQ và Ủy ban an ninh lương thực thế giới (CFS) phối hợp tổ chức. Tại cuộc họp, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước cùng nỗ lực điều phối các chính sách nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu để hệ thống lương thực hiện nay có thể thực hiện sự chuyển đổi một cách bền vững.
Ông Shahid cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và Ukraine có thể đẩy 95 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực và 50 triệu người bị đói nghiêm trọng trong năm nay.
Số liệu ước tính cho thấy, tính đến ngày 30/6 vừa qua, chỉ số giá nông sản trên thế giới đã tăng 34% so với tháng 1/2021. Trong số tất cả các mặt hàng nông sản, giá ngô và lúa mì lần lượt tăng 47% và 42%. "Nếu chúng ta tiếp tục đi theo hướng này thì triển vọng đạt được mục tiêu 'Không còn nạn đói' trong các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 sẽ rất mong manh", ông Shahid nói.
Tổng Thư ký LHQ Guterres cảnh báo rằng nhiều nơi trên thế giới có thể phải đối mặt với nạn đói trong năm nay và tình hình có thể càng tồi tệ hơn vào năm tới. Ông nói, thảm họa này có thể tránh được nếu các nước cùng nhau hành động ngay bây giờ.
Theo ông Guterres, việc sản xuất lương thực của Ukraine cũng như lương thực và phân bón của Nga nên được tái hòa nhập ngay lập tức vào các thị trường thế giới và duy trì thương mại quốc tế rộng mở.
Ngoài ra, cần chuyển đổi hệ thống lương thực để bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào, cũng đều có thể tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và bền vững.
Cùng ngày, cơ chế khẩn cấp về phát triển đã chính thức được kích hoạt nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính trên toàn cầu hiện nay. Theo đó, sẽ cung cấp khoản tiền 22,9 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho 87 nhóm công tác của LHQ tại 100 quốc gia và khu vực.