Lãnh đạo 40 nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 do Mỹ tổ chức

(VOH) - Ngày 21/4, Nhà Trắng xác nhận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 do Mỹ tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/4.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tiến hành hội đàm song phương với ông Tập Cận Bình.

Trước đó, Nhà Trắng đã gửi lời mời tới lãnh đạo của 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đến ngày 21/4, giới chức Trung Quốc mới thông báo rằng ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời của Tổng thống Biden và sẽ tham dự hội nghị này thông qua hình thức trực tuyến.

Tại cuộc họp báo vào ngày 21/4, Nhà Trắng xác nhận tất cả 40 nhà lãnh đạo được mời đều sẽ tham dự hội nghị. Tuy nhiên, hội nghị lần này sẽ không bố trí bất kỳ cuộc gặp song phương nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, hội nghị thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty Images)

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 20/4 nói rằng, mặc dù Mỹ và những nước như Trung Quốc và Nga có sự bất đồng về một số vấn đề, nhưng họ có thể đạt được sự đồng thuận khi bàn về vấn đề biến đổi khí hậu.

Bà Psaki nói, hầu hết các nước phát thải thí CO2 lớn nhất thế giới là các nền kinh tế lớn nhất hoặc quốc gia đông dân nhất thế giới. Đó là lý do vì sao lãnh đạo của các nước này được mời dự hội nghị.

Điều này cũng nói lên rằng, dù có bất đồng trong những vấn đề nào đó, nhưng các nước có thể có được sự đồng thuận trong vấn đề đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Xem thêm: Lãnh đạo thế giới hoan hô việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Theo thông báo của Nhà Trắng, vào chiều ngày 22/4, Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sẽ tập trung thảo luận về cách thức cung cấp nguồn lực và kinh phí của các nước để chống lại biến đổi khí hậu.

Ngoài nguồn kinh phí của chính phủ, cũng cần thảo luận về cách thức hợp tác với các công ty tư nhân để có thể đầu tư thêm kinh phí.

Tờ "Washington Post" ngày 20/4 dẫn nguồn tin từ giới thạo tin cho biết, tại hội nghị này, Tổng thống Biden sẽ cam kết cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ vào năm 2030, trong khi yêu cầu mà Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu đưa ra là cắt giảm 26 - 28% khí thải.

Người phát ngôn Nhà Trắng cũng xác nhận về điều này, nhưng nói rằng mục tiêu cuối cùng phải đợi đến khi hội nghị kết thúc trong tuần này mới có thể quyết định.

Ngoài Tổng thống Biden, còn có 18 quan chức Mỹ tham dự hội nghị, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken, đặc phái viên của Tổng thống Biden về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen...

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2020 là một năm thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Trước tình hình đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm hành động. Các nước cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050”.

Bình luận